Multimedia Đọc Báo in

Để thiếu nhi có mùa hè bổ ích

09:47, 31/05/2019

Để tạo sân chơi hữu ích cho thiếu nhi trong dịp hè, nhiều đơn vị đã có sự chủ động, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động chăm sóc, quản lý, giáo dục, thu hút đông đảo các em tham gia.

Ngay từ đầu tháng 5, chị Nguyễn Thị Hồng Nga (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) đã đến Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh để đăng ký cho con trai tham gia Học kỳ trong quân đội được tổ chức từ ngày 10 đến 16-6 tại Tiểu đoàn 303 (xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột). Là năm thứ hai cho con tham gia, chị Nga đã tìm hiểu rất kỹ về nội dung cũng như những điểm mới trong chương trình năm nay.

Chị Nga chia sẻ: “Ngoài nội dung huấn luyện quân sự, chương trình còn trang bị các kỹ năng sống cần thiết cho lứa tuổi thanh thiếu nhi như kỹ năng sinh tồn, thích nghi, thói quen có ích và kỹ năng giao tiếp… Chương trình không chỉ giúp các con có thời gian thư giãn sau một năm học, mà còn được trang bị một số kỹ năng cần thiết để hoàn thiện mình”.

Các học viên trải nghiệm tại Chương trình Học kỳ trong quân đội năm 2018.
Các học viên trải nghiệm tại Chương trình Học kỳ trong quân đội năm 2018.

Là địa chỉ tin cậy của các bậc phụ huynh và các em thiếu nhi trong mỗi dịp hè về, Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh là một môi trường an toàn, phù hợp, giúp các em có những trải nghiệm bổ ích và phát triển toàn diện. Mùa hè năm nay, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hè của thanh thiếu nhi, Nhà Văn hóa dự kiến mở gần 40 loại hình lớp học năng khiếu sở thích như: Hát, múa, đàn, vẽ, cờ vua, cầu lông, bóng đá, bóng rổ, các lớp võ thuật… thu hút khoảng 2.000 lượt thanh thiếu nhi tham gia. Các hoạt động thể dục thể thao, giáo dục truyền thống, các chương trình rèn luyện kỹ năng sống như “Học kỳ trong Quân đội”, “Mùa hè kỳ thú”, “Trải nghiệm thiên nhiên”; các hoạt động ngoại khóa cho các lớp năng khiếu hè cũng được tổ chức với nhiều nội dung phong phú, đa dạng và thiết thực.

Để làm tốt công tác chăm sóc, quản lý thiếu nhi trong dịp hè, ngay từ giữa tháng 4, Tỉnh Đoàn đã ban hành Hướng dẫn bàn giao, tiếp nhận và sinh hoạt hè cho đoàn viên, thanh thiếu nhi khối trường học. Đồng thời chỉ đạo các Huyện, Thị, Thành Đoàn, Hội đồng Đội các cấp chuẩn bị chu đáo, bảo đảm các em thiếu niên, nhi đồng đều được tham gia sinh hoạt hè. Theo đó, nội dung sinh hoạt hè năm nay tập trung vào các hoạt động như: tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng thông qua hoạt động du khảo về nguồn gắn với các ngày kỷ niệm; thực hiện phong trào “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” và hưởng ứng “Tháng hành động vì trẻ em” thông qua các các hoạt động phòng, chống đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn có thể xảy ra khi trẻ em tham gia các trò chơi, phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em…

Bên cạnh đó, mỗi huyện, thị xã, thành phố tổ chức 1 trại hè cho thiếu nhi; thường xuyên tổ chức các hội thao, hội diễn văn nghệ thu hút thiếu nhi tham gia, góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích trên địa bàn dân cư, đặc biệt là các em thiếu nhi vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.

 
“Tham gia vào các hoạt động bổ trợ năng khiếu, rèn luyện kỹ năng sẽ giúp thiếu nhi có cơ hội rèn luyện bản thân, trang bị thêm kiến thức, kỹ năng sống để các em hòa đồng, thích nghi với cuộc sống, mạnh dạn hơn trong mọi hoạt động và xử lý linh hoạt nhiều tình huống ngoài xã hội”.
 
Chị Nguyễn Thị Thúy Hiền, Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh

Anh Phan Đức Lộc, Chủ tịch Hội đồng Đội TP. Buôn Ma Thuột cho biết: “Đến thời điểm hiện nay, 100% cơ sở Đoàn trên địa bàn thành phố đã hoàn thành công tác bàn giao và tiếp nhận học sinh về tham gia sinh hoạt hè tại địa phương. Riêng Hội đồng Đội thành phố, từ đầu năm 2019 đến nay đã triển khai xây dựng và bàn giao 2 công trình măng non khu vui chơi thiếu nhi cho 2 đơn vị khó khăn, kịp thời tạo sân chơi bổ ích cho các em trong dịp hè”.

Dù đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức các hoạt động hè cho thiếu nhi trên địa bàn tỉnh, song việc tạo sân chơi bổ ích cho các em vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Những sân chơi tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm, còn tại các xã vùng sâu vẫn thiếu nơi giải trí, vui chơi nên trẻ em chỉ có thể chơi trong khu dân cư thôn, xóm, quanh quẩn với các trò thả diều, nhảy dây, bắn bi. Hơn nữa, trong ngày hè nóng bức, các em thường rủ nhau tắm sông, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

Công trình măng non khu vui chơi thiếu nhi được Hội đồng Đội TP. Buôn Ma Thuột xây dựng và bàn giao cho Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu - Phân hiệu 2 (buôn Kom Leo, xã Hòa Thắng).
Công trình măng non khu vui chơi thiếu nhi được Hội đồng Đội TP. Buôn Ma Thuột xây dựng và bàn giao cho Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu - Phân hiệu 2 (buôn Kom Leo, xã Hòa Thắng).

Thiết nghĩ, để thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn tỉnh có một kỳ nghỉ bổ ích, lý thú, an toàn, các bậc phụ huynh cần làm tốt công tác quản lý con em mình, tránh để trẻ sa đà vào các trò chơi vô bổ, thiếu lành mạnh, những trò chơi nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như sự phát triển tâm hồn và trí tuệ. Các cấp chính quyền, các đoàn thể cần tạo ra những sân chơi giải trí lành mạnh, cho các em được vui chơi thỏa thích, thi đua học tập tốt, rèn luyện kỹ năng sống, bồi dưỡng năng khiếu, phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.