Ích lợi từ dạy bơi trong trường học
Để hạn chế thấp nhất những tai nạn do đuối nước cũng như tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho học sinh, thời gian qua, các mô hình dạy bơi trong trường học ở huyện Krông Búk đã hoạt động khá tốt, bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực trong việc phòng, chống đuối nước cho trẻ em.
Tháng 12-2017, Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái ở xã Cư Pơng được Sở Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ một bể bơi di động có diện tích khoảng 90 m2 kèm dàn máy lọc nước và hệ thống mái che nắng. Cùng với đó, nhà trường cũng trích kinh phí 80 triệu đồng để đầu tư cầu nhảy, hàng rào chắn bằng sắt, phòng tắm, thay đồ...
Từ khi bể bơi của trường đi vào hoạt động đã nhận được sự đánh giá tích cực từ phía phụ huynh, học sinh. Hiện nay đã có 368 phụ huynh đăng ký cho con mình tham gia học bơi tại trường với chi phí 150 nghìn đồng/năm/học sinh. Tại đây, các em được bố trí thời gian học bơi hợp lý từ 3-5 buổi/tuần, vừa giúp các em có sân chơi bổ ích lại không ảnh hưởng đến việc học tập chính trên lớp. Em H’Krin Ayul, học sinh lớp 5B của trường phấn khởi khoe: "Chỉ sau 5 tháng học bơi ở đây, em không chỉ đã biết bơi cơ bản mà còn được làm quen với những kỹ năng cần thiết để phòng, chống đuối nước".
Học sinh Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) đang được dạy bơi. |
Theo thầy Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái, trên địa bàn xã Cư Pơng có khá nhiều hồ thủy lợi, suối và ao, hố sâu tích trữ nước phục vụ cho sản xuất. Trong khi đó, ở địa phương lại thiếu sân chơi cho trẻ em nên ngoài thời gian học ở trường, các em nhỏ thường ra hồ, đập để chơi đùa, nguy cơ xảy ra đuối nước rất cao. Từ khi bể bơi của nhà trường đi vào hoạt động, các em đã có được sân chơi bổ ích, thiết thực. Thông qua việc học bơi, các em còn được trang bị kỹ năng ứng phó với những trường hợp bất trắc khi tắm ở khu vực có dòng nước xoáy, nước sâu, được trang bị nhiều kiến thức hữu ích về sơ cấp cứu nếu người khác gặp tai nạn đuối nước…
“Không chỉ là sân chơi bổ ích, hoạt động dạy bơi còn giúp các em học sinh phát triển thể lực, tăng cường sức khỏe và ham đi học hơn. Nếu như trước đây tỷ lệ học sinh của trường bỏ học giữa chừng chiếm khoảng 3-4%/năm thì năm học 2018-2019 này giảm còn 0,7%/năm”.
Thầy Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái
|
Tương tự, năm 2018, Trường THCS Lê Hồng Phong ở xã Pơng Drang cũng được Sở Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ 1 hệ thống bể hơi di động; UBND huyện hỗ trợ kinh phí 100 triệu đồng đầu tư lắp đặt 1 giếng khoan và trang vật dụng dạy, học bơi. Từ đầu tháng 4 vừa qua, bể bơi của trường bắt đầu đưa vào sử dụng để dạy và học bơi cho học sinh. Nhà trường phân công 3 thầy giáo thể dục luân phiên tham gia trực tiếp dạy bơi; bố trí 1 bảo vệ thường xuyên túc trực quản lý hồ bơi, vận hành hệ thống máy lọc… Hiện đã có 130 học sinh đăng ký học bơi.
Anh Trần Đình Lĩnh, một phụ huynh của Trường THCS Lê Hồng Phong chia sẻ: “Con tôi thường theo bạn ra suối gần nhà để chơi đùa mỗi khi bố mẹ đi vắng. Do các cháu không biết bơi, lại hay nghịch ngợm nên gia đình rất lo lắng. Khi biết nhà trường tổ chức dạy bơi, tôi đăng ký cho con học ngay. Ngoài thời gian học văn hóa thì các cháu cũng có sân chơi bổ ích, thiết thực, không chỉ phòng tránh đuối nước mà còn là môn thể thao rèn luyện sức khỏe nên tôi rất yên tâm”.
Các em học sinh Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) được hướng dẫn khởi động trước khi học bơi. |
Ông Biện Văn Minh, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết, thực hiện Quyết định số 453/QĐ-UBND ngày 28-2-2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2017-2020, từ năm 2017 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã cấp 34 bể bơi di động cho các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc hỗ trợ bể bơi, Sở còn tổ chức tập huấn và cấp chứng chỉ cho các giáo viên dạy bơi. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, hoạt động dạy và học bơi ở các trường học được thực hiện thường xuyên và rất hiệu quả.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc