Tích cực xử lý nợ đọng Bảo hiểm xã hội
Mặc dù số nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) của tỉnh hiện thấp hơn chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao, song tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đọng BHXH vẫn diễn ra thường xuyên đòi hỏi BHXH tỉnh đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm nợ.
Nợ nhiều, nợ dai...
Thống kê của BHXH tỉnh cho thấy, đến hết tháng 6-2019, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi trên địa bàn tỉnh là 80,26 tỷ đồng (chiếm 2,6% kế hoạch thu) và chủ yếu là nợ BHXH. Trong đó có 226 đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên với tổng số nợ lên đến 67,4 tỷ đồng, thậm chí nhiều doanh nghiệp cố tình chây ỳ, nợ đóng BHXH trong một thời gian rất dài như: Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng công trình 1 (TP. Buôn Ma Thuột) nợ 2,7 tỷ đồng trong 90 tháng; Công ty Cổ phần Đường bộ Đắk Lắk (TP. Buôn Ma Thuột) nợ hơn 6,2 tỷ đồng trong 33 tháng; Công ty Cổ phần Chế biến gỗ cao su Đắk Lắk (TP. Buôn Ma Thuột) nợ hơn 1,4 tỷ đồng trong 27 tháng; Công ty TNHH MTV cà phê 715A (huyện M’Đrắk) nợ 4,8 tỷ đồng trong 22 tháng… Đáng lo ngại, ngoài số nợ phải tính lãi nói trên, tính đến tháng 6-2019, toàn tỉnh có 357 đơn vị, doanh nghiệp phá sản, mất tích còn nợ BHXH gần 28,4 tỷ đồng khiến việc thu hồi nợ gặp rất nhiều khó khăn.
Nguyên nhân dẫn đến nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN chủ yếu là do tình hình sản xuất của nhiều đơn vị sử dụng lao động đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó, một số đơn vị cố tình chây ỳ, chưa có ý thức chấp hành quy định về đóng BHXH, BHYT, BHTN; số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể, mất tích và có chủ bỏ trốn còn cao. Không những thế, một số đơn vị, doanh nghiệp còn tìm cách đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động để sử dụng vào mục đích khác.
Cán bộ BHXH huyện Ea Súp trực tiếp đến tuyên truyền, nhắc nhở doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động đúng quy định. |
Theo ông Lê Xuân Khánh, Trưởng Phòng Khai thác, thu nợ (BHXH tỉnh): Việc doanh nghiệp không trích nộp đầy đủ, kịp thời, đúng quy định BHXH, BHYT gây ra tình trạng nợ đọng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ cho người lao động. Chẳng hạn như người lao động nghỉ ốm đau, thai sản không được hưởng chế độ theo quy định; nhiều người bị mất việc làm không được hưởng trợ cấp thất nghiệp; người đến tuổi nghỉ hưu không được xác nhận sổ… Mặc dù nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ cho người lao động như giải quyết cho đóng trước BHXH đối với đối tượng nghỉ hưu, hoặc thôi việc để người lao động chốt sổ; nếu không đóng đủ BHXH thì sẽ xác nhận cho người lao động đến thời điểm đã đóng để họ có thể tìm việc ở cơ quan mới, khi thu hồi được nợ sẽ xác nhận bổ sung. Song đây chỉ là giải pháp tình thế tạm thời, còn nếu liên tục kéo dài sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi người lao động.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hồi nợ đọng
Hiện nay, để giảm thiểu số nợ và bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động, BHXH tỉnh đã giao chỉ tiêu về cho BHXH các huyện, thị xã, thành phố, trên cơ sở đó, các đơn vị này giao cho cán bộ chuyên quản theo dõi, phân loại, xác định nguyên nhân nợ đối với từng đơn vị, doanh nghiệp cụ thể để có biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp.
Ðồng thời, thực hiện thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên (thông qua cảnh báo tự động của phần mềm thu); công khai danh sách các doanh nghiệp có số nợ BHXH lớn, kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng; thường xuyên kết hợp với tổ công tác liên ngành của UBND tỉnh, Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Công an đến trực tiếp những đơn vị, doanh nghiệp không khắc phục số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN để tuyên truyền, vận động, nhắc nhở. Qua đó, số nợ BHXH, BHYT, BHTN thời gian gần đây đã có chiều hướng giảm.
Ông Lê Xuân Khánh, Trưởng Phòng Khai thác, thu nợ (BHXH tỉnh) cho biết: “Hiện nay cơ quan BHXH chỉ có một biện pháp duy nhất là thanh tra, xử phạt còn các biện pháp khác như khởi kiện dù đã có quy định trong Luật nhưng vẫn không thực hiện được. Trên thực tế cơ quan BHXH chỉ có nhiệm vụ cung cấp hồ sơ còn vấn đề khởi kiện đươc giao cho tổ chức công đoàn.
Tính từ năm 2016, chúng tôi đã giao 30 bộ hồ sơ sang Liên đoàn Lao động tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa có động thái nào do chưa có hướng dẫn từ Tòa án cấp cao, thành thử không giải quyết được vấn đề nợ đọng qua hình thức khởi kiện. Bên cạnh đó, Bộ Luật hình sự đã có quy định những đơn vị cố tình vi phạm, chây ỳ có thể bị chuyển hồ sơ sang công an để xử lý trách nhiệm hình sự nhưng cho đến nay chỉ có bộ luật có hiệu lực còn các văn bản dưới luật lại chưa có nên cũng chưa phát huy được. Nếu như các kênh này được thực hiện đồng bộ, tin rằng số nợ BHXH, BHYT, BHTN sẽ giảm nhanh”.
Thiết nghĩ, giảm nợ đọng, bảo đảm quyền lợi của người lao động là điều mà cả ngành BHXH, tổ chức công đoàn cũng như người lao động đều mong muốn. Vì thế, các bộ, ngành chức năng cần sớm ban hành các văn bản phù hợp để những hồ sơ doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN mà cơ quan BHXH đã chuyển cho tổ chức công đoàn và công an sẽ được khởi kiện và vào cuộc điều tra, khởi tố nhằm tạo tính răn đe.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, BHXH tỉnh đã tiến hành thanh tra tại 22 đơn vị sử dụng lao động (gồm 8 đơn vị thanh tra đột xuất, 12 đơn vị thanh tra theo kế hoạch và 2 đơn vị thanh tra phối hợp). Qua đó đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 8 đơn vị và tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định xử phạt 1 đơn vị, tổng số tiền phạt gần 150 triệu đồng. |
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc