Multimedia Đọc Báo in

Trọn vẹn nghĩa tình với người có công

11:01, 29/07/2019

Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ea Kar luôn quan tâm, nỗ lực thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh, cống hiến của những gia đình có công với đất nước...

Theo thống kê của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Ea Kar, trên địa bàn huyện hiện có trên 3.900 đối tượng chính sách có công, trong đó có trên 1.100 trường hợp đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng với tổng số tiền hơn 26,7 tỷ đồng; có 2 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, trên 800 thương, bệnh binh.

Theo ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” vừa là trách nhiệm vừa là tình cảm, tri ân những hy sinh mất mát của các gia đình chính sách có công đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Vì vậy, bên cạnh việc tiếp nhận, hướng dẫn, tham mưu giải quyết chế độ cho các đối tượng chính sách, huyện còn đặc biệt quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng, hỗ trợ Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bằng những hoạt động ý nghĩa, thiết thực.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Trương Thị Thỉnh (tổ dân phố 3A, thị trấn Ea Kar) bày tỏ niềm vui khi lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đến thăm hỏi, tặng quà.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Trương Thị Thỉnh (tổ dân phố 3A, thị trấn Ea Kar) bày tỏ niềm vui khi lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đến thăm hỏi, tặng quà.
 
“Qua rà soát, huyện Ea Kar còn 19 gia đình chính sách có công thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo do già cả, ốm đau, bệnh tật. Huyện sẽ tiếp tục vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để hỗ trợ nhà ở, sản xuất, chi phí khám chữa bệnh... Phấn đấu đến năm 2020, huyện Ea Kar không còn hộ chính sách có công thuộc diện hộ nghèo”.
 
Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Ea Kar Nguyễn Đình Thanh

Vào dịp lễ, Tết hằng năm, nhất là vào tháng 7 tri ân hằng năm, căn nhà của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tưởng ở tổ dân phố 4, thị trấn Ea Kar luôn rộn rã tiếng cười, lời thăm hỏi ân cần của lãnh đạo địa phương, các ngành, đoàn thể và đoàn viên thanh niên...

Mẹ Tưởng có 3 người con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, hiện đang sinh sống với gia đình người con trai út. Năm 1994, Đảng và Nhà nước đã phong tặng Mẹ danh hiệu cao quý Mẹ Việt Nam Anh hùng; Công ty Xổ số kiến thiết Đắk Lắk nhận phụng dưỡng Mẹ. UBND huyện Ea Kar đã cấp đất ở, hỗ trợ kinh phí từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để xây dựng Nhà tình nghĩa tặng Mẹ, thường xuyên thăm hỏi tặng quà, cấp phát thuốc bổ, đưa đi điều dưỡng, tham quan các di tích lịch sử… “Sự quan tâm, chăm lo của các cấp, ngành đối với Mẹ và gia đình làm Mẹ cảm thấy vui và ấm lòng, xoa dịu phần nào nỗi đau mất mát” - Mẹ Tưởng tâm sự.

Nhằm chăm lo kịp thời cho các đối tượng chính sách có công, hằng năm, huyện Ea Kar đã tổ chức thăm hỏi, trao tặng khoảng 8.000 suất quà cho các đối tượng nhân dịp lễ, Tết, Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27-7) với tổng số tiền gần 1,8 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa các công trình ghi danh liệt sỹ; thực hiện tốt chế độ trợ cấp ưu đãi giáo dục, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng người có công; tổ chức đưa người có công đi điều dưỡng tập trung...

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Y Khút Niê (thứ ba bìa trái) và lãnh đạo UBND huyện Ea Kar thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tưởng.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Y Khút Niê (thứ ba bìa trái) và lãnh đạo UBND huyện Ea Kar thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tưởng.

Ngoài kinh phí từ ngân sách Nhà nước, những năm qua, huyện Ea Kar đã tập trung huy động nguồn lực xã hội, sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân để thực hiện công tác "Đền ơn đáp nghĩa". Riêng trong năm 2018, huyện đã huy động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được 1,45 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng 22 căn nhà Tình nghĩa và hỗ trợ vốn đối ứng cho 27 gia đình chính sách xây dựng nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trao tặng 6 con bò sinh sản cho hộ chính sách có công thuộc diện nghèo, cận nghèo…

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.