Multimedia Đọc Báo in

Hàng trăm hộ dân mong chờ có cầu qua suối Ea H'leo

08:37, 25/11/2019

Hơn 20 năm qua, hàng trăm hộ dân tại xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) vẫn phải liều mình vượt qua con suối rộng hàng chục mét bằng các phương tiện thô sơ để làm rẫy và vận chuyển nông sản.

Con suối Ea H’leo là đoạn ranh giới tự nhiên giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai. Đây là con suối lớn, vào mùa mưa nước sâu hơn 3 mét, lòng suối rộng hàng chục mét. Người dân buôn Dang, thôn 2A, thôn 2C… (xã Ea H’leo) muốn sang phần đất xâm canh bên kia suối (thuộc địa phận huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) chỉ có cách lội bộ hoặc dùng tời kéo xe công nông vượt qua lòng suối lởm chởm đá.

Chính vì đi lại khó khăn nên người dân mất rất nhiều thời gian cho việc di chuyển. Ngày nắng, nước cạn, xe công nông qua suối cũng bị ngập gần hết bánh đà máy nổ. Ngày mưa, nước sâu hơn, toàn bộ đầu máy chìm trong nước, tất cả mọi người trên xe đều ướt sũng. Chưa kể những hôm nước dâng lên đột ngột vào buổi chiều, nhiều hộ bị kẹt lại bên kia bờ suối, phải cử người bơi qua dòng suối để xin thức ăn, nước uống. Tình trạng ngô, đậu mọc mầm, hư hỏng trong khi chờ nước rút thường xảy ra, gây thiệt hại kinh tế không nhỏ cho bà con.

Hằng ngày, nhiều hộ dân xã Ea H’leo phải vượt suối để đến khu đất canh tác.
Hằng ngày, nhiều hộ dân xã Ea H’leo phải vượt suối để đến khu đất canh tác.

Anh Y Đrơng Nay (buôn Dang) than vãn, thu nhập của cả gia đình anh chỉ dựa vào 3 ha đất trồng ngô ở bên kia suối. Vì thế, gia đình anh thường xuyên phải đi qua con suối này, nhất là trong mùa mưa. Địa hình lòng suối nhiều đá, hai bên bờ thường xuyên xói lở nên chiếc xe công nông của anh luôn phải có tời và được nối thêm đoạn ống nhựa dài nửa mét vào đầu hút gió của máy nổ để tránh nước tràn vào động cơ. Đây cũng là đặc trưng của tất cả các xe công nông khác hay di chuyển qua con suối này. Nhiều hôm, đi đến suối mới phát hiện hỏng tời, cả gia đình anh phải quay về dù đã chuẩn bị sẵn sàng cho một ngày làm việc.

 
"Năm 2015, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ea H’leo đã tiến hành khảo sát và ghi nhận tại địa bàn xã Ea H’leo có 7 điểm cần đầu tư xây dựng cầu dân sinh. Đến nay, cấp trên mới hỗ trợ địa phương xây dựng được 4 cầu bê tông phục vụ nhu cầu đi lại của bà con".
 
 Chủ tịch UBND xã Ea H’leo Mai Văn Thắng

Không chỉ riêng gia đình anh Y Đrơng mà hầu hết người dân có đất xâm canh bên kia suối đều canh tác cây ngắn ngày như lúa, ngô, sắn nên mùa mưa là mùa làm việc chính trong năm. Khoảng thời gian này, việc đi lại thêm phần hiểm nguy, vất vả do hai bên bờ suối thường xuyên bị xói mòn, mực nước lên xuống thất thường.

Chị Lê Thị Bích Thủy, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 2C cho biết, tất cả các gia đình bên này suối Ea H’leo đều đã quen việc phải tiếp tế lương thực, nước uống, quần áo khô cho những người bị kẹt lại bên kia suối. Mấy năm trước, bà con còn phải cùng nhau tìm kiếm và ứng cứu người bị cuốn trôi trong dòng nước dữ. Ngay cả vợ chồng chị, vì thường chở nông sản thuê cho bà con nên nhiều lần phải căng bạt ngủ lại ở bờ suối bên kia để chờ nước rút dù nhà chỉ cách đó vài trăm mét.

Được biết, tháng 3-2016, vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh (thôn 2A) cùng 2 gia đình khác có đất canh tác bên kia suối đã bỏ ra 50 triệu đồng để xây 2 trụ cầu bằng bê tông cốt thép rồi dựng cầu tạm bằng gỗ để có thể đi qua bờ bên kia mà không cần lội suối. Song, chiếc cầu tạm chỉ tồn tại ít tháng, đến cuối mùa mưa năm ấy, lũ lớn cuốn phăng toàn bộ cây, gỗ, chỉ còn 2 trụ cầu nằm lại giữa lòng suối cho đến nay. Hằng ngày, bà Thanh và các hộ khác lại phải gửi xe máy bên này bờ suối rồi lội bộ qua bờ bên kia làm rẫy. Bà Thanh kể, mấy ngày trước, bà suýt bị cuốn trôi vì hụt chân xuống vùng nước sâu, may nhờ có chồng bà đi cùng kéo lại kịp thời.

Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Ea H'leo, hiện có khoảng hơn 100 hộ dân của xã có đất canh tác bên kia suối với tổng diện tích gần 200 ha. Tuy nhiên, đoạn đường này lại chưa được địa phương và các ngành chức năng đưa vào khảo sát để xây dựng cầu vì nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai. Nguyện vọng lớn nhất của người dân nơi đây là được quan tâm, đầu tư một cây cầu đảm bảo cho việc đi lại, vận chuyển nông sản để bà con yên tâm sản xuất và tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

Đinh Nga – Phương Thảo

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.