Quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Qua 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh lần thứ II năm 2014, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh được tăng cường, đổi mới và đạt nhiều kết quả quan trọng; đa số các mục tiêu đề ra đến nay đều đạt và vượt kế hoạch.
Một trong những kết quả đáng ghi nhận là việc thực hiện chính sách đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quán triệt, ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tỉnh luôn ưu tiên nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, vùng căn cứ cách mạng.
Buôn Sah A, xã Ea Tul (huyện Cư M'gar) ngày càng khởi sắc. Ảnh: N Xuân |
Công tác triển khai các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS được thực hiện kịp thời, công khai, minh bạch, dân chủ, phù hợp với nhu cầu của người dân; công tác phối hợp lồng ghép các nguồn lực trên địa bàn được triển khai đồng bộ. Đáng kể như các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo ở xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn; cho vay vốn phát triển sản xuất với các hộ DTTS đặc biệt khó khăn; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS...
Quá trình thực hiện chính sách linh hoạt, phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương. Theo Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 – 2020 trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh thì Đề án sẽ góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS bình quân 4%/năm; giải quyết đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho trên 80% số hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất; cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hộ DTTS nghèo và hộ nghèo sống phân tán ở vùng đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện thuận lợi để các hộ vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất.
Đơn cử, trong thực hiện Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, ngoài việc xây dựng công trình cấp nước sạch, tỉnh còn có chính sách cấp bù, hỗ trợ kinh phí cho việc quản lý, khai thác công trình nhằm tạo điều kiện ưu đãi cho hộ đồng bào DTTS được tiếp cận với nước sạch nông thôn, nhờ vậy đã có khoảng 85% người dân vùng DTTS được sử dụng nước hợp vệ sinh...
Thực hiện tốt chính sách dân tộc đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn nói chung và vùng DTTS nói riêng; đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào DTTS được nâng lên, tình hình trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn được giữ vững, góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 30/152 xã đạt chuẩn nông thôn mới. |
Bằng các nguồn lực của địa phương, đến nay tỉnh đã huy động 22.729 tỷ đồng vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 3,89%/năm, toàn tỉnh đã giảm được 42.412 hộ nghèo, trong đó có 13.265 hộ DTTS. Dự kiến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,46%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 4,3%. Đặc biệt, các công trình thiết yếu như điện, đường, trường, trạm... được đầu tư cơ bản, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã và có điện lưới quốc gia, 97,2% thôn, buôn có điện và 98% hộ được dùng điện sinh hoạt.
Công tác giáo dục vùng DTTS được đặc biệt quan tâm. Hệ thống trường lớp được mở đến tận các buôn làng, trong đó có 27 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú và 13 trường tổ chức bán trú cho học sinh vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Ngoài các chính sách của Trung ương, tỉnh còn hỗ trợ nhiều chế độ cho con em đồng bào DTTS theo học ở các trường đại học, cao đẳng, trung học, tiểu học… tạo điều kiện thuận lợi cho các em đến lớp, giảm thiểu tỷ lệ bỏ học. Trong số gần 480 nghìn học sinh toàn tỉnh, học sinh DTTS chiếm hơn 30%... Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và phát triển, nhất là mạng lưới y tế thôn, buôn đồng bào DTTS; đã có 183/184 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, góp phần chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn.
Có thể nói, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực để triển khai chính sách hỗ trợ vùng DTTS một cách kịp thời, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn và phong tục tập quán của đồng bào các DTTS trong tỉnh. Các chương trình, chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương trên các lĩnh vực đã đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tạo điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với đồng bào các DTTS nên được bà con đồng tình, ủng hộ và tích cực hưởng ứng.
H’Yâo Knul
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh
Ý kiến bạn đọc