Đi chợ online thời... "cách ly"
Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, người dân hạn chế ra đường để phòng, chống dịch. Thích ứng với bối cảnh mới, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã và đang chú trọng hơn đến phương thức bán hàng online (trực tuyến).
Khác với mua sắm trực tiếp, khi mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng không cần đến cửa hàng mà vẫn mua được sản phẩm mình cần. Điều này cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong bối cảnh người dân tự nâng cao nhận thức phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay.
Bộ phận trực quầy tư vấn đơn hàng online của một siêu thị trên đường Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột). |
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, trước đây chị thường xuyên đi chợ, có ngày đi vài lượt để lựa chọn thực phẩm, nhu yếu phẩm, mua sắm đồ dùng cho gia đình ba thế hệ. Riêng cuối tuần hoặc buổi tối, chị thường dẫn các con đến siêu thị, trung tâm thương mại để tham quan, mua sắm hay đơn giản chỉ là đưa các con đến các khu vui chơi.
Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu thì chị hạn chế hẳn việc ra ngoài và lên danh sách sẵn trước khi đi chợ để mua các loại sản phẩm với khối lượng nhất định, đáp ứng nhu cầu bảo quản thực phẩm trong vài ngày. Hoặc chị lựa chọn mua hàng online trên Facebook, Zalo hay liên hệ trực tiếp qua điện thoại với các cửa hàng uy tín trên địa bàn để mua sắm hàng hóa.
Đáp ứng nhu cầu này, nhiều cửa hàng kinh doanh đã đẩy mạnh phương thức bán hàng online, vừa kích cầu tiêu dùng, vừa đáp ứng nhu cầu của người dân. Anh Nguyễn Văn Rồng, quản lý chuỗi Siêu thị Thành Phát cho biết, chuỗi siêu thị triển khai chương trình "Đi chợ hộ" từ tháng 3-2020.
Theo đó, người tiêu dùng có nhu cầu có thể gọi điện thoại đến cửa hàng để được tư vấn, giới thiệu những sản phẩm thực phẩm đang bán trong ngày và quyết định đặt mua các loại hàng hóa từ nhu yếu phẩm đến lương thực, thực phẩm. Siêu thị miễn phí giao hàng trong bán kính 5 km với các đơn hàng từ 200.000 đồng và 100.000 đồng đối với đơn hàng cơm văn phòng. Đội ngũ giao hàng bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 như: tuân thủ quy trình rửa tay khử khuẩn thường xuyên; thực phẩm đầu vào được kiểm tra kỹ càng; đeo khẩu trang, găng tay, giữ khoảng cách an toàn khi giao hàng cho khách...
Hiện tại, siêu thị đã chuẩn bị hàng hóa đầy đủ trong kho và tham gia bán hàng bình ổn theo định hướng của của Sở Công thương; đồng thời ký kết hợp đồng tiêu thụ rau, quả, thịt heo cho người dân trên địa bàn nhằm từng bước xây dựng chuỗi liên kết nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP từ sản xuất đến tiêu thụ…
Không chỉ nhu yếu phẩm, thực phẩm, các quán cà phê, dịch vụ ăn uống trên địa bàn cũng đưa ra nhiều chương trình để phục vụ khách hàng nhằm tạo thu nhập cho nhân viên. Đơn cử như quán cà phê Soul trên đường Nguyễn Khuyến (TP. Buôn Ma Thuột) đã chuyển sang hoạt động online để bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Để giữ khách, giá các loại thức uống, bánh đều được giảm 20% và tặng quà cho đơn hàng trên 50.000 đồng…
Người tiêu dùng tự bảo vệ mình qua việc chấp hành tốt công tác phòng, chống dịch khi đi ra ngoài. |
Theo đánh giá của các nhà kinh doanh, dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều cửa hàng ngay từ đầu năm 2020. Lượng khách hàng giảm dần và để phòng, chống dịch hiệu quả buộc người kinh doanh phải đồng hành với chính quyền địa phương trong cách thức, phương pháp chống dịch. Tuy nhiên, kinh doanh ế ẩm không đáng ngại bằng vấn đề thay đổi xu hướng tiêu dùng do việc ngừng kinh doanh. Do đó, linh động cùng với giải pháp kinh doanh hợp thời không chỉ giúp các đơn vị kinh doanh giảm bớt khó khăn mùa dịch mà còn là cách để sớm phục hồi khi dịch bệnh qua đi.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc