Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Kar: Nhiều cách làm hay giúp người có công thoát nghèo

18:36, 18/04/2020

Với mục tiêu đến cuối năm 2020 không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, huyện Ea Kar triển khai nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng Phòng LĐ - TBXH huyện Ea Kar cho biết, nhằm giúp người có công với cách mạng trên địa bàn thoát nghèo bền vững, hằng năm đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã, thị trấn tiến hành rà soát, phân tích thực trạng hộ nghèo, qua đó tìm ra nguyên nhân để ưu tiên hỗ trợ, giúp đỡ những những hộ có khả năng thoát nghèo trước, sau đó căn cứ vào mức độ thiếu hụt các tiêu chí  nghèo để có các giải pháp hỗ trợ hiệu quả.

Thương binh Lê Đức Thái (thôn 12, xã Ea Kmút) chăm sóc trại gà của gia đình.
Thương binh Lê Đức Thái (thôn 12, xã Ea Kmút) chăm sóc trại gà của gia đình.

Cụ thể, những gia đình chính sách, người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo do thiếu vốn sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, đơn vị tư vấn, tạo điều kiện tiếp cận chính sách vay vốn hộ nghèo để phát triển kinh tế. Đối với con em của các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, địa phương tạo điều kiện tham gia các lớp học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm tại các công ty, xí nghiệp hoặc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Trường hợp người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo là người cao tuổi, neo đơn, không còn sức lao động, đơn vị vận động các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân hỗ trợ vốn, hoặc nhận phụng dưỡng trực tiếp, hỗ trợ hằng tháng để họ có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Bên cạnh đó, huyện kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân, gia đình người có công với cách mạng có nhiều nỗ lực, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Tiêu biểu trong vượt khó vươn lên thành điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương là thương binh hạng 2/4 Lê Đức Thái (thôn 12, xã Ea Kmút). Ông Thái tham gia kháng chiến ở chiến trường miền Tây Nam Bộ, bị thương mất một cánh tay và sau khi xuất ngũ, ông vào xã Ea Kmút lập nghiệp. Nhờ được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cùng tinh thần vượt khó của "Bộ đội Cụ Hồ", đến nay gia đình ông Thái đã xây dựng được trang trại nuôi trồng tổng hợp gồm 5.000 con gà, 2 ao nuôi cá và 1 ha trồng rau sạch, mỗi năm cho  thu nhập gần 1 tỷ đồng.

Mô hình vườn ao chuồng mang lại thu nhập ổn định cho gia đình thương binh Lê Đức Thái (thôn 12, xã Ea Kmút).
Mô hình vườn ao chuồng mang lại thu nhập ổn định cho gia đình thương binh Lê Đức Thái (thôn 12, xã Ea Kmút).

Những năm qua, huyện Ea Kar thường xuyên chú trọng giáo dục truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các hoạt động tri ân lan tỏa rộng rãi và sâu sắc trong nhân dân. Nhờ đó, phong trào "Đền ơn áp nghĩa" được các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân tích cực hưởng ứng, trong đó phải kể đến sự ủng hộ, đóng góp to lớn của các doanh nghiệp, cá nhân đối với việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công do địa phương quản lý.

 
"Địa phương tiếp tục thực hiện việc đối thoại với hộ nghèo để xác định nhu cầu của từng gia đình, từ đó có giải pháp hỗ trợ phù hợp; đồng thời quan tâm, giúp đỡ người có công với cách mạng và thân nhân của họ tiếp cận việc làm, giáo dục, y tế, khởi nghiệp, học nghề…, nâng dần ưu tiên cho các đối tượng người có công đang nằm trong hộ nghèo để đến cuối năm 2020 không còn hộ nghèo thuộc đối tượng người có công với cách mạng”.
 
Ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng Phòng LĐ - TBXH huyện Ea Kar

Hai năm trước, gia đình anh Nguyễn Văn Lai (ở thôn 6, xã Cư Yang - bị nhiễm chất độc hóa học) là hộ nghèo, thì đến đầu năm 2020 đã chính thức thoát nghèo. Ngoài được hưởng chế độ chi trả trợ cấp hằng tháng, năm 2018 anh Lai được huyện hỗ trợ 30 triệu đồng từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, cùng sự hỗ trợ của họ hàng để xây dựng nhà Tình nghĩa thay thế cho căn nhà ván đã xuống cấp nhiều năm qua. Ngoài ra, gia đình anh Lai còn được trao một cặp bò giống sinh sản để chăn nuôi, nhờ đó kinh tế gia đình ngày một ổn định.

Huyện Ea Kar hiện có hơn 3.500 đối tượng chính sách có công với cách mạng. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã hỗ trợ 15 gia đình có công với cách mạng xây nhà Tình nghĩa; từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp và nguồn vốn huy động khác đã hỗ trợ 14 hộ con giống để chăn nuôi phát triển sản xuất; 25 gia đình người có công với cách mạng được vay vốn phát triển sản xuất từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng số tiền vay 750 triệu đồng. Nhờ đó, qua rà soát, hiện nay toàn huyện chỉ còn 3 hộ người có công với cách mạng là hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,06% số hộ nghèo toàn huyện), giảm 58 hộ so với năm 2016.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.