Multimedia Đọc Báo in

Quy hoạch xây dựng nghĩa trang ở huyện Krông Búk: Lợi ích kép

08:34, 28/05/2020

Những năm gần đây, huyện Krông Búk đã triển khai thực hiện có hiệu quả việc quy hoạch và xây dựng nghĩa trang tập trung từ nguồn lực xã hội hóa, vừa giúp giảm chi phí đầu tư từ ngân sách vừa thuận lợi trong việc vận động người dân an táng tại các khu nghĩa trang do dịch vụ tốt hơn; đặc biệt góp phần bảo vệ môi trường.

Nghĩa trang tự phát - những hệ lụy

Năm 2017, qua công tác kiểm tra, khảo sát hiện trạng các nghĩa trang trên địa bàn huyện Krông Búk cho thấy hầu hết các nghĩa trang thường nằm trong khu dân cư, không theo quy hoạch nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt của những hộ dân sinh sống xung quanh, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan... Do hầu hết các nghĩa trang của địa phương đều hình thành từ lâu đời theo hình thức tự phát, nằm rải rác ở các thôn, buôn theo cụm dân cư nên không được quy hoạch bài bản, không có tường rào bảo vệ, không nhà quản trang.... Gọi là nghĩa trang nhưng thực chất chỉ là những khu chôn cất tự phát của người dân có từ lâu nên nằm xen kẽ trong diện tích đất trồng cây lâu năm, hoa màu, các khu đồi, bãi.

Các phần mộ ở Nghĩa trang tập trung huyện Krông Búk được xây dựng theo đúng quy cách.
Các phần mộ ở Nghĩa trang tập trung huyện Krông Búk được xây dựng theo đúng quy cách.

Trước thực trạng đó, nhằm đưa hoạt động quản lý và sử dụng nghĩa trang đi vào nền nếp, phù hợp với truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt cũng như hạn chế ảnh hưởng đến mỹ quan, môi trường, năm 2018, địa phương đã bắt đầu triển khai việc đóng cửa, di dời các nghĩa trang giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn huyện. Theo đó, UBND huyện đã ban hành văn bản đề nghị đóng cửa 13/25 nghĩa trang trên địa bàn các xã Pơng Drang, Cư Kpô, Cư Né, Ea Ngai, Cư Pơng và Ea Sin. Các nghĩa trang còn lại cho phép tạm thời được chôn cất nhưng phải đảm bảo các nội dung: khắc phục ô nhiễm môi trường, cải tạo, chỉnh trang lại hệ thống hạ tầng kỹ thuật, mộ chí và các công trình trong nghĩa trang; trồng cây xanh, thảm cỏ; phải có tường rào; thành lập Ban quản lý nghĩa trang…

Theo đánh giá của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Krông Búk, trước đây công tác quản lý đất nghĩa trang trên địa bàn huyện chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sự quản lý chặt chẽ của chính quyền các cấp. Do đó, người dân tự phát trong việc chôn cất, cải táng; đặc biệt, đã xuất hiện tình trạng tạo mộ giả nhằm chiếm đất ở các khu quy hoạch đã có dự án đầu tư để được bồi thường, đầu cơ mua bán đất mồ mả bất hợp pháp. Không những thế, việc chôn cất tùy tiện đã phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến môi trường, gây trở ngại cho công tác quản lý đất đai…

Xã hội hóa xây dựng nghĩa trang nhân dân

Đến nay, sau gần 3 năm triển khai, cơ bản các địa phương đã thực hiện đóng cửa nghĩa trang không còn phù hợp; đồng thời tích cực vận động nhân dân đưa người quá cố về nghĩa trang tập trung của huyện để mai táng. Trong đó, nhiều gia đình, dòng họ đã đưa mộ người thân nằm rải rác ở các nghĩa trang không tập trung vào nghĩa trang tập trung huyện ở thôn 11, xã Pơng Drang.

UBND huyện đã ban hành văn bản đề nghị đóng cửa 13/25 nghĩa trang trên địa bàn các xã Pơng Drang, Cư Kpô, Cư Né, Ea Ngai, Cư Pơng và Ea Sin

Được biết, trên địa bàn huyện Krông Búk hiện có 2 nghĩa trang đạt quy chuẩn do Doanh nghiệp tư nhân thương mại và dịch vụ Phúc Lợi đầu tư xây dựng và quản lý. Trong đó, nghĩa trang tập trung của huyện được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí khoảng 4 tỷ đồng; quy mô khoảng 10.000 ngôi mộ; hiện đã có khoảng hơn 700 mộ và nghĩa trang xã Tân Lập xây dựng với tổng kinh phí khoảng 200 triệu đồng, đến nay có khoảng gần 200 ngôi mộ.

Nghĩa trang huyện Krông Búk được Doanh nghiệp Phúc Lợi đầu tư xây dựng theo đúng quy chuẩn.
Nghĩa trang huyện Krông Búk được Doanh nghiệp Phúc Lợi đầu tư xây dựng theo đúng quy chuẩn.

Ngoài ra, việc quy hoạch nghĩa trang nhân dân cũng là một trong những chỉ tiêu quan trọng của tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Chỉ tiêu này được xem là đạt khi nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch, được cấp thẩm quyền phê duyệt; khoảng cách của nghĩa trang đối với khu dân cư phải bảo đảm lớn hơn 100 m; diện tích đất xây dựng cho mỗi mộ chôn cất một lần tối đa không quá 5 m2; có quy chế về quản lý nghĩa trang; nơi trồng cây xanh, có lối đi thuận lợi cho việc thăm viếng; mộ phải đặt theo hàng, xây dựng đúng diện tích và chiều cao quy định... Do đó, việc nhận thức, ý thức và trách nhiệm của cộng đồng thay đổi sẽ có nhiều chuyển biến tích cực; đặc biệt, hầu hết các nghĩa trang đã đóng cửa theo đúng quy định không chỉ mang lại lợi ích to lớn về kinh tế, môi trường sống, tiết kiệm quỹ đất… mà còn góp phần tích cực vào hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Thúy Hồng

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.