Multimedia Đọc Báo in

Đa dạng hóa hoạt động thu hút hội viên phụ nữ

07:49, 03/06/2020

Xác định xây dựng và phát triển tổ chức hội vững mạnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua hội phụ nữ các cấp trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm đa dạng hóa hình thức và nội dung sinh hoạt, tạo những thay đổi tích cực trong phong trào vận động chị em phụ nữ xây dựng đời sống mới.

Phát huy hiệu quả mô hình, câu lạc bộ

Nhóm làm thiệp xuất khẩu của Chi hội Phụ nữ thôn 9 (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) là mô hình điểm trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ địa phương. Là thành viên đầu tiên tiếp cận với công việc này và cũng là Trưởng nhóm làm thiệp, chị Bùi Thị Tố Ny cho hay, đầu năm 2019 chị được người quen giới thiệu nghề làm thiệp xuất khẩu. Thấy công việc phù hợp, chị đã hướng dẫn các chị em trong Chi hội Phụ nữ thôn cùng tham gia để kiếm thêm thu nhập cho gia đình vào buổi tối hoặc những ngày nông nhàn. Hiện nay, nhóm gia công thiệp xuất khẩu của Chi hội Phụ nữ thôn 9 có 10 thành viên làm việc thường xuyên, thu nhập ổn định thêm từ 2 - 3 triệu đồng/tháng.

Hội viên phụ nữ phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) thảo luận các hoạt động hạn chế rác thải nhựa.
Hội viên phụ nữ phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) thảo luận các hoạt động hạn chế rác thải nhựa.

Nhận thấy thổ nhưỡng địa phương phù hợp với cây dâu tằm, tháng 2-2019, Chi hội Phụ nữ thôn Hạ Điền (xã Xuân Phú, huyện Ea Kar) đã thành lập Mô hình trồng dâu nuôi tằm với 10 thành viên tham gia, canh tác trên diện tích đất trồng dâu 3 ha. Mục đích chính của mô hình là giúp chị em chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh; đồng thời triển khai các hoạt động hỗ trợ hội viên phụ nữ tiếp cận thị trường, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Không chỉ hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, mỗi buổi sinh hoạt định kỳ, Ban chủ nhiệm mô hình còn đa dạng hóa các nội dung thông qua hoạt động văn hóa, văn nghệ...

Thực hiện chủ đề công tác năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN thị xã Buôn Hồ đã ra mắt 2 câu lạc bộ điểm “Phụ nữ với pháp luật và phòng, chống xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em” tại phường Đoàn Kết và câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật và phòng, chống ma túy” tại phường Thiện An. Chị Nguyễn Phan Minh Tiết, Chủ tịch Hội LHPN thị xã cho hay, việc thành lập các câu lạc bộ này đã góp phần giúp các thành viên nâng cao hiểu biết về phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em, từ đó trở thành tuyên truyền viên tích cực tham gia đấu tranh phòng chống ma túy, vận động người thân trong gia đình, cộng đồng tránh xa tệ nạn xã hội, góp phần tạo môi trường sống lành mạnh cho phụ nữ và trẻ em. Từ mô hình điểm này, thời gian tới Hội sẽ nhân rộng tại khắp các địa bàn, đồng thời đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thu hút nhiều hơn nữa chị em tham gia vào tổ chức hội.

Nâng cao chất lượng hoạt động

Xác định được những khó khăn trong việc tập hợp, thu hút hội viên, đặc biệt là hội viên đồng bào dân tộc thiểu số tham gia sinh hoạt hội, những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã tích cực chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động hội cơ sở, với việc thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, tăng cường công tác tuyên truyền, quan tâm chăm lo đời sống hội viên. 

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thu Nguyệt (bìa trái) trao bò cho gia đình phụ nữ nghèo ở xã Ia R'vê, huyện Ea Súp.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thu Nguyệt (bìa trái) trao bò cho gia đình phụ nữ nghèo ở xã Ia R'vê, huyện Ea Súp.

Cùng với việc xây dựng, triển khai các mô hình mới, nhân rộng nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, thiết thực, phù hợp nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của phụ nữ, hội phụ nữ các cấp trong tỉnh còn lên kế hoạch thực hiện các chương trình, hoạt động thu hút hội viên, phụ nữ theo lứa tuổi, ngành nghề, nhóm phụ nữ yếu thế… Đơn cử như việc mỗi đơn vị lựa chọn ít nhất một loại hình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phù hợp như: các câu lạc bộ phụ nữ khỏe đẹp, dưỡng sinh, đàn tính, hát dân ca, khiêu vũ, bóng chuyền, bóng đá nữ... đã thu hút khá đông chị em tại các địa phương tham gia.

Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh tăng thêm gần 5.000 hội viên phụ nữ, 184/184 cơ sở tập hợp 50% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức hội.

Bên cạnh đó, Hội cũng đẩy mạnh phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đóng góp thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Giai đoạn 2015 - 2020, các cấp Hội đã vận động trên 500.000 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia thi đua thực hiện các phong trào, cuộc vận động do hội triển khai; thành lập 722 mô hình trên các lĩnh vực nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện; giúp đỡ 7.517 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều.

Bà Trần Thị Phong, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, để thu hút, tập hợp hội viên tham gia vào tổ chức hội, ngoài các chương trình, hoạt động thiết thực thì đòi hỏi sự vận dụng sáng tạo khéo léo trong cách tuyên truyền vận động của cán bộ hội. Mỗi cán bộ hội ở cơ sở cần kịp thời nắm bắt và phản hồi tình hình đời sống, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ, nhất là những chị em có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế. Đồng thời, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở để phát huy quyền làm chủ trực tiếp của hội viên, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và tổ chức hội vững mạnh.

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.