Multimedia Đọc Báo in

Một cộng tác viên dân số tận tâm

07:51, 03/06/2020

Chị Nguyễn Thị Thái gắn bó với công tác dân số của thôn 1, xã Cư M'ta (huyện M’Đrắk) từ năm 2000.

Khi mới đảm nhận công việc, chị gặp rất nhiều khó khăn do quan niệm của nhiều người dân trong thôn vẫn còn lạc hậu, vẫn muốn sinh đông con để vui cửa vui nhà, có thêm nhân công lao động, có người chăm sóc khi về già… Một số người coi nhẹ vai trò của cộng tác viên dân số như chị và tỏ ra không hợp tác. Các biện pháp tránh thai hiện đại còn khá lạ lẫm đối với một số phụ nữ lúc bấy giờ.

Chị Nguyễn Thị Thái (ngoài cùng bìa phải) tuyên truyền KHHGĐ cho người dân trong thôn.
Chị Nguyễn Thị Thái (ngoài cùng bìa phải) tuyên truyền KHHGĐ cho người dân trong thôn.

Trước những khó khăn ấy, chị Thái quyết tâm tìm cách thay đổi nếp nghĩ và quan niệm của bà con về dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Chị nghiên cứu tài liệu, đồng thời học hỏi kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng tuyên truyền về dân số từ các cộng tác viên khác, tham dự các buổi tập huấn về công tác DS-KHHGĐ… Chị phối hợp chặt chẽ với Ban tự quản và các đoàn thể của thôn để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các biện pháp KHHGĐ. Đồng thời, tranh thủ thời gian vào buổi trưa hoặc buổi tối chị đến từng hộ sinh nhiều con, các cặp vợ chồng sinh con một bề để trò chuyện, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và kiên trì phân tích, vận động họ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.

Nhờ sự tận tình, nỗ lực của chị Thái, nhận thức của bà con thôn 1 về DS-KHHGĐ được nâng lên rõ rệt. Hầu hết các cặp vợ chồng trong thôn đều ý thức rằng nên sinh ít, sinh thưa để có thời gian chăm sóc, nuôi dạy con tốt hơn cũng như có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Trong thôn 1 hiện có 39 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, 80% cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Số chị em trong độ tuổi sinh đẻ chưa sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại chủ yếu là những người mới lập gia đình hoặc mới sinh con. Trong 10 năm trở lại đây, trong thôn không có tình trạng sinh con thứ ba trở lên; 100% trẻ em trong thôn đều được đi học đúng độ tuổi; trong thôn không có tình trạng trẻ em bị suy dinh dưỡng.

Chị Nguyễn Thị Thái chăm lo phát triển kinh tế gia đình.
Chị Nguyễn Thị Thái chăm lo phát triển kinh tế gia đình.

Không chỉ tâm huyết, trách nhiệm với công tác dân số, chị Nguyễn Thị Thái còn được biết đến là một phụ nữ đảm đang, năng động trong phát triển kinh tế gia đình. Từ hộ nghèo những ngày đầu mới vào lập nghiệp, đến nay gia đình chị đã vươn lên trở thành hộ có đời sống kinh tế khá giả, thu nhập đạt 150 - 200 triệu đồng/năm từ mô hình kinh tế tổng hợp vườn – ao - chuồng - rừng; các con chị đều thành đạt và có công việc ổn định.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.