Multimedia Đọc Báo in

Chuyện một nông dân tự nguyện xin thoát nghèo

16:50, 26/09/2020

Anh Nguyễn Văn Hào (thôn Tiến Thành, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) là hộ dân tiên phong đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo ở địa phương.

Năm 1998, anh Hào từ Thanh Hóa vào Đắk Lắk lập nghiệp, xây dựng gia đình với hy vọng về một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Không có nghề nghiệp, vợ chồng anh quanh năm phải đi làm thuê kiếm sống rồi tích góp, vay mượn mua được một sào đất nông nghiệp để vừa có chỗ dựng nhà vừa trồng rau kiếm thêm thu nhập. Năm 2009, tai họa liên tiếp ập đến khi trong một lần bất cẩn, chiếc đèn dầu đặt cạnh giường đã bén lửa gây hỏa hoạn trong đêm, cướp đi mất của anh một người con gái. Vợ anh vì cố cứu con mà một bàn tay đã bị tật, khó vận động, không làm lụng như trước được. Chưa đầy một năm sau, anh Hào gặp tai nạn giao thông. Cuộc sống vốn đã khó lại chồng thêm khó, có lúc anh Hào tưởng mình đã kiệt quệ. Khốn khó bủa vây nhiều năm liền không sao dứt ra được, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo của xã.

Không chấp nhận cảnh cứ nghèo khó mãi, vợ chồng anh cố gắng chèo chống, bươn chải. Ngày nào không có người thuê làm, hai vợ chồng ở nhà trồng rau, nuôi gà để tăng thu nhập, có tiền lo cho con ăn học. Năm 2016, anh Hào làm đơn xin vay 25 triệu đồng theo chương trình cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Anh Hào dùng số tiền này để mua 3 con bò giống sinh sản. Trong thời gian ngắn, đàn bò đã sinh thêm được 3 con bê. Cùng với đó, với một sào đất trong vườn, vợ chồng anh luân canh trồng rau sạch để bán. Rau củ thu được, vợ anh mang ra chợ bán kiếm thu nhập và tận dụng phần hư, xấu để cho bò ăn.

Anh Hào chăm sóc đàn dê của gia đình.
Anh Hào chăm sóc đàn dê của gia đình.

Tích góp từng ngày, sau hai năm, anh Hào trả được số tiền đã vay. Bà Lê Thị Lan, cán bộ làm công tác giảm nghèo ở xã Quảng Tiến cho biết, so với ngày trước, cuộc sống của gia đình anh đã có nhiều đổi thay, nhưng xét ở bình diện chung thì khó khăn vẫn còn đó.

Cuối năm 2018, anh Hào tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Để đi đến quyết định này, anh cứ suy nghĩ mãi, mất ngủ nhiều đêm liền. Ra khỏi hộ nghèo đồng nghĩa với không còn hưởng chế độ về tiền điện, bảo hiểm y tế, con cái đi học không được miễn giảm học phí… Chi phí này là không nhỏ đối với gia đình anh. Nhưng anh Hào nói về quyết định xin ra khỏi diện hộ nghèo của mình: “Phải quyết tâm, còn trẻ phải phấn đấu, những khoản hỗ trợ của Nhà nước cũng nên chia sẻ với những người còn thiếu thốn hơn mình, họ còn đang phải chạy ăn từng bữa… Mình xin thoát nghèo, để Nhà nước dành chính sách ưu đãi này cho những người nghèo khó hơn mình". Và nguyện vọng của anh được chính quyền địa phương chấp thuận. Gia đình anh được rời khỏi danh sách hộ nghèo ở địa phương.

Vừa ra khỏi hộ nghèo thì việc chăn nuôi bò vấp phải giá xuống thấp. Không chùn bước, anh Hào bàn với vợ chuyển sang nuôi dê và tiếp tục duy trì nghề trồng rau làm thu nhập chính. Sau bốn năm nhận sự hỗ trợ của Nhà nước, từ chỗ chỉ có một "mảnh đất cắm dùi", nay anh Hào đã mua thêm được 5 sào đất rẫy trồng cà phê và một số loại cây trồng có giá trị khác. Vợ chồng anh cũng tích góp để sửa sang ngôi nhà mà Nhà nước hỗ trợ xây từ trước trở nên rộng rãi khang trang hơn. Hiện anh Hào đã mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi bò sinh sản sang nuôi dê thương phẩm. Bởi theo anh, nuôi dê thuận lợi hơn do nguồn thức ăn khá dồi dào và thu nhập cũng khá hơn so với nuôi bò sinh sản.

Từ những nỗ lực thoát nghèo của mình, gia đình anh Nguyễn Văn Hào là hộ điển hình thoát nghèo bền vững của xã Quảng Tiến giai đoạn 2016 - 2020 và là hộ thoát nghèo duy nhất được huyện Cư M’gar đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk tặng Bằng khen trong Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không ai bị để lại phía sau” giai đoạn 2016 – 2020.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.