Multimedia Đọc Báo in

Bảo hiểm y tế: "Phao cứu sinh" cho người bệnh

08:31, 30/11/2020

Trong những năm qua, bảo hiểm y tế (BHYT) được xem là chiếc “phao cứu sinh” hỗ trợ chi phí, giảm bớt gánh nặng cho nhiều gia đình, đặc biệt các trường hợp hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Krông Ana.

Năm 2019, ông Nguyễn Văn Anh (xã Bình Hòa) không may bị ngã dẫn đến tai biến, bị liệt nửa người, không thể nói được, phải đi chữa trị nhiều nơi.  Anh Nguyễn Thế Thanh, con trai ông Nguyễn Văn Anh chia sẻ, bệnh tình của bố anh rất nặng nên chi phí chữa trị rất tốn kém, tính sơ mỗi năm ít nhất cũng tốn khoảng 100 triệu đồng – một số tiền “khủng” đối với hộ nghèo, thu nhập chủ yếu dựa vào canh tác nông nghiệp như gia đình anh. Song, may mắn là bố của anh có BHYT hộ nghèo nên được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh. Đến nay sau hơn một năm điều trị, bệnh tình của bố anh đã thuyên giảm rất nhiều, hiện đã nói được từng tiếng và bắt đầu bước đi. Hằng ngày, mọi người trong gia đình anh đều thay nhau đưa bố lên Trung tâm Y tế huyện để tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng.

Bệnh nhân có BHYT khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Krông Ana.
Bệnh nhân có BHYT khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Krông Ana.

Bà Đoàn Thị Dân (xã Dur Kmăl) kể, chồng bà là ông Trần Đình Liệu (đã mất vào hồi tháng 5-2020) vốn bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, cộng với suy thận, tim, huyết áp cao… trong một thời gian dài nên chi phí điều trị bệnh mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, nhưng nhờ có thẻ BHYT nên hơn 10 năm qua, bà Dân đưa chồng đi chữa trị từ bệnh viện tuyến huyện, lên tỉnh, rồi đi TP. Hồ Chí Minh chỉ tốn kém chi phí đi lại, ăn uống còn chi phí khám chữa bệnh được BHYT chi trả 100%. Qua tình cảnh của gia đình, bà Dân thấy việc tham gia BHYT rất hữu ích, đặc biệt trong trường hợp không may xảy ra tai nạn hoặc mắc bệnh nặng, do vậy bà luôn khuyên nhủ con cái, người thân và bạn bè trích một khoản nhỏ của gia đình tham gia BHYT tự nguyện để phòng lúc ốm đau, hoạn nạn xảy ra.

Trường hợp của ông Nguyễn Văn Anh và Trần Đình Liệu chỉ là hai trong số rất nhiều gia đình trên địa bàn huyện Krông Ana nhờ tham gia BHYT đã vượt qua giai đoạn khó khăn, có điều kiện để khám chữa bệnh khi người nhà bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn đột xuất. Trong năm 2020, một số bệnh nhân trên địa bàn huyện được BHYT thanh toán với mức cao như trường hợp ông Trần Văn Truyền (thị trấn Buôn Trấp) bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được thanh toán hơn 32 triệu đồng, hay như ông Đỗ Đình Toàn (xã Băng A Drênh) bị viêm khớp dạng thấp được thanh toán hơn 31 triệu đồng…

Những năm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Krông Ana đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân. Theo đó, hằng năm, đơn vị thường phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn huyện phổ biến, tuyên truyền về quyền lợi khi tham gia BHYT; phân tích mức đóng, phương thức đóng, thời điểm đóng; hướng dẫn các thủ tục khi đi khám chữa bệnh BHYT. Đồng thời giải đáp những vướng mắc của người dân về các nội dung liên quan đến công tác khám chữa bệnh BHYT, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT…

Người dân làm thủ tục đổi thẻ BHYT tại cơ quan BHXH huyện Krông Ana.
Người dân làm thủ tục đổi thẻ BHYT tại cơ quan BHXH huyện Krông Ana.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh, BHXH huyện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong tra cứu trực tuyến thông tin về thẻ BHYT và cập nhật trực tiếp vào phần mềm quản lý khám chữa bệnh của cơ sở y tế giúp giảm đáng kể thời gian chờ của người bệnh. Cụ thể, thực hiện Công văn số 330/CNTT-PM ngày 3-4-2019 và Công văn số 393/CNTT-PM ngày 16-4-2019 của BHXH Việt Nam về việc triển khai hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan BHXH để thuận lợi trong việc truy cập các thông tin về thẻ bảo hiểm, BHXH huyện hướng dẫn cú pháp tra cứu thông tin, qua đó người dân, doanh nghiệp biết cụ thể về chi phí điều trị, các dịch vụ đã sử dụng cũng như thời hạn của thẻ BHYT…

Theo báo cáo của BHXH huyện Krông Ana, tính đến đầu tháng 11-2020, số người tham gia BHYT toàn huyện là 79.286 người (chiếm tỷ lệ 92,73%), trong đó tham gia tự nguyện theo hộ gia đình là 15.694 người. Trong những năm qua, BHYT đã góp phần quan trọng trong việc giảm bớt gánh nặng chi phí khi khám, điều trị bệnh cho rất nhiều bệnh nhân trên địa bàn. Cụ thể, năm 2018, Quỹ BHYT đã thanh toán gần 24,4 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh BHYT cho người có thẻ; năm 2019 con số này là gần 22,7 tỷ đồng. Ông Hoàng Minh Hải, Phó Giám đốc BHXH huyện Krông Ana cho biết, thời gian tới để tỷ lệ người tham gia BHYT tự nguyện tăng cao, BHXH huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nắm rõ quyền lợi thiết thực khi tham gia bảo hiểm. Đồng thời phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể phổ biến các chính sách, mức đóng, quyền lợi khi tham gia BHYT của người dân.

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.