Multimedia Đọc Báo in

Tập hợp thanh niên qua các câu lạc bộ, đội, nhóm sở thích

08:14, 27/11/2020

Nhằm đoàn kết thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (LHTNVN) huyện Buôn Đôn đã triển khai hiệu quả mô hình tập hợp thanh niên thông qua hoạt động các câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm sở thích.

Trên địa bàn huyện Buôn Đôn hiện có 18 CLB, tổ, đội, nhóm nghề nghiệp, sở thích, năng khiếu, thu hút gần 1.000 thanh niên tham gia. Các CLB, tổ, đội nhóm đã góp phần tăng tỷ lệ tập hợp, tăng lực lượng cho hoạt động Hội và giảm thiểu các loại tệ nạn xã hội trong thanh thiếu nhi...

CLB nhạc cụ Lào thành lập năm 2015 với 8 thành viên, đến nay là 40 thành viên, sinh hoạt định kỳ 4 lần/tháng. Để thu hút thêm thanh niên tham gia, CLB còn thành lập thêm Đội múa Lăm Vông kết hợp nhạc cụ Lào tham gia biểu diễn tại một số chương trình, sự kiện của huyện, tỉnh. “Ngoài hỗ trợ từ UBND xã, chúng tôi chủ động liên hệ với đơn vị làm du lịch trên địa bàn huyện phục vụ du khách; biểu diễn tại đám cưới, tiệc... của những gia đình người Lào để có thêm kinh phí hoạt động, giúp các thành viên có thêm thu nhập”, anh Y Nô Ly Kbuôr, Chủ nhiệm CLB nhạc cụ Lào cho biết.

Câu lạc bộ Vũ đoàn Sóng xã Ea Nuôl biểu diễn tại Lễ kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập huyện Buôn Đôn.
Câu lạc bộ Vũ đoàn Sóng xã Ea Nuôl biểu diễn tại Lễ kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập huyện Buôn Đôn.

Đầu năm 2018, một số thanh niên dân tộc Thái đam mê thể thao ở thôn Hòa Thanh (xã Ea Nuôl) đã thành lập CLB FC làng Thái. CLB đã tham gia Giải Bóng đá tranh cúp Phong Vân lần thứ I do Huyện Đoàn tổ chức cuối năm 2018. 

"Các CLB, đội, nhóm còn tạo mối gắn kết giữa đoàn viên, thanh niên với tổ chức đoàn, hội, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, trang bị kỹ năng, kiến thức để tuổi trẻ cống hiến, trưởng thành".
Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Buôn Đôn Nguyễn Quang Trung.

Cũng trong năm 2018, CLB Vũ đoàn Sóng ra đời không chỉ là nơi sinh hoạt của nhiều thanh niên Công giáo, mà còn kết nối những tấm lòng nhân ái giúp đỡ người nghèo, hoàn cảnh kém may mắn. Tháng 3-2020, CLB đã phối hợp với Giáo họ Hòa Nam (xã Ea Nuôl), Thủy điện Sêrêpốk 3… trao tặng gần 200 suất quà cho người yếu thế trên địa bàn xã bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. CLB còn cùng với Đội xung kích của xã phát tờ rơi, tuyên truyền lưu động phòng, chống dịch Covid-19, bệnh bạch hầu; tham gia Chiến dịch Mùa hè xanh… Hiện CLB đã thu hút hơn 30 thành viên và cộng tác viên.

Chị Phùng Thị Tâm, Chủ tịch Hội LHTNVN xã Ea Nuôl cho biết, toàn xã có 2.163 thanh niên. Những năm trước việc tập hợp thanh niên rất khó khăn,nhưng từ khi thành lập các CLB đội, nhóm theo sở thích đã tập hợp, gắn kết nhiều thanh niên, tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương, có nhiều đóng góp vì cộng đồng. Từ hiệu quả của CLB FC làng Thái và CLB Vũ đoàn Sóng, nhiều nhóm thanh niên có cùng sở thích trên địa bàn xã đã thành lập nhóm, như: bóng chuyền ở buôn Niêng 1; cồng chiêng ở buôn Ea Mdhar… và đang hoàn tất các điều kiện để thành lập các CLB tại buôn.

Đội múa Lăm Vông (Câu lạc bộ nhạc cụ Lào) biểu diễn tại Tết Bunbimay.
Đội múa Lăm Vông (Câu lạc bộ nhạc cụ Lào) biểu diễn tại Tết Bunbimay.

Còn tại xã Ea Bar, đầu năm 2020 Tổ hợp tác kinh tế (thuộc Hội LHTNVN xã Ea Bar) thành lập đã gắn kết 5 thanh niên có khát vọng làm giàu.

Anh Nguyễn Tuấn Vũ, Bí thư Chi đoàn thôn 5 phát triển kinh tế gia đình với mô hình trồng rau và nuôi heo rừng lai. Vườn rau với diện tích gần 1 ha của anh mỗi tháng cung cấp ra thị trường gần 3 tấn rau các loại như: mướp đắng, cà chua, ớt, súp lơ… thu về lợi nhuận gần 40 triệu đồng. Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ của Hội LHTNVN xã, anh Vũ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Buôn Đôn mua 3 con heo rừng lai về nuôi theo hình thức bán hoang dã, lứa heo đầu tiên đã xuất chuồng với số tiền hơn 40 triệu đồng.

“Định kỳ hằng tháng, các thành viên tham gia sinh hoạt, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi. Thông qua tổ chức đoàn, hội, tổ hợp tác kinh tế phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến khích thanh niên ở địa phương nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả”, chị Nguyễn Thị Hồng An, Chủ tịch Hội LHTNVN  xã Ea Bar, Tổ trưởng Tổ hợp tác kinh tế khẳng định.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.