Multimedia Đọc Báo in

Ấm lòng dưa kiệu tình thương

16:06, 04/02/2021
Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp cận Tết Nguyên đán, Tịnh thất Hồng Liên (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) lại tất bật chuẩn bị những hũ dưa kiệu, dưa món thơm ngon để bán gây quỹ cho bếp cơm từ thiện.
 
Vụ làm kiệu ở Tịnh thất Hồng Liên bắt đầu từ rằm tháng 7 âm lịch hằng năm. Giống kiệu vốn ưa đất cát vùng đồng bằng tưởng chừng không thích hợp với đất đỏ bazan cùng những điều kiện thời tiết đặc trưng ở Tây Nguyên, nhưng lại được Đại đức Thích Thiện Đắc, Trụ trì Tịnh thất Hồng Liên trồng thành công hàng chục năm qua với năng suất rất cao. Kiệu khá dễ trồng, không phát sinh sâu bệnh nên chỉ cần bón lót bằng phân hữu cơ và tưới nước thường xuyên. Riêng khâu diệt trừ cỏ dại cho kiệu phải làm bằng tay hoàn toàn nên mất nhiều công lao động hơn so với các loại cây trồng khác. Đến giữa tháng 11 âm lịch, Tịnh thất bắt đầu thu hoạch kiệu và chuyển dần vào chợ đầu mối Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) tiêu thụ. Một phần kiệu còn lại được chế biến thành dưa kiệu, dưa món để bán cho phật tử cùng các gia đình tại TP. Buôn Ma Thuột.
 
Đại đức Thích Thiện Đắc tự tay chế biến dưa món tại Tịnh thất Hồng Liên
Đại đức Thích Thiện Đắc tự tay chế biến dưa món tại Tịnh thất Hồng Liên
 
Dưa kiệu, dưa món của Tịnh thất do chính tay đại đức Thích Thiện Đắc chế biến. Chỉ bằng những loại rau, củ chủ yếu do Tịnh thất tự canh tác, dưới bàn tay khéo léo của sư thầy đã biến thành những món dưa ngon cho bữa cơm ngày Tết. Dưa có vị chua ngọt vừa ăn, có mùi thơm của quá trình lên men tự nhiên mà vẫn giữ được độ giòn cùng màu sắc tươi ngon của rau củ. Dưa kiệu, dưa món được đóng thành những hũ nhỏ, trọng lượng từ 0,5 – 1 kg, với giá bán 60.000 – 120.000 đồng.
 
Nhờ nguồn nguyên liệu an toàn, hương vị thơm ngon mà số lượng người ủng hộ Tịnh thất ngày càng đông. Nhiều khách hàng còn tình nguyện bán dưa kiệu, dưa món giúp Tịnh thất để tăng thêm nguồn lợi nhuận phục vụ mục đích từ thiện. Từ số lượng vài trăm hũ ban đầu, những năm gần đây, Tịnh thất bán được hàng nghìn hũ dưa trong dịp cận Tết, với tổng trọng lượng lên đến 1 tấn dưa kiệu và 1 tấn dưa món.
 
Các phật tử Tịnh thất Hồng Liên sơ chế kiệu tươi trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021
Các phật tử Tịnh thất Hồng Liên sơ chế kiệu tươi trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021
 
Đại đức Thích Thiện Đắc cho biết, mùa kiệu mang lại nguồn thu nhập chính giúp Tịnh thất duy trì bếp cơm từ thiện suốt 4 năm qua. Kể từ khi xuống giống kiệu, Tịnh thất luôn có khoảng 20 tình nguyện viên và thuê thêm từ 6 – 8 lao động làm việc thường xuyên đảm trách việc chăm sóc, thu hoạch kiệu. Những năm trước, Tịnh thất trồng 5 sào kiệu trong vụ tết với sản lượng khoảng 5 tấn củ kiệu tươi. Vụ kiệu năm nay, nhờ người dân cho mượn thêm đất, Tịnh thất đã mở rộng diện tích canh tác lên 1,3 ha, sản lượng dự kiến hơn 12 tấn. Phấn khởi vì kiệu được mùa, được giá, sư thầy nhẩm tính sẽ thu lợi nhuận từ việc bán kiệu tươi và các loại dưa khoảng 100 triệu đồng, gấp đôi so với năm ngoái. Điều này đồng nghĩa sư thầy sẽ vơi bớt nỗi lo về kinh phí hoạt động của bếp cơm trong suốt năm 2021.
 
Kể về bếp cơm từ thiện, sư thầy Thích Thiện Đắc tâm sự, để duy trì liên tục những suất ăn cho bệnh nhân nghèo vào tất cả các ngày chủ nhật trong tuần và ngày rằm, mồng một âm lịch hằng tháng suốt 4 năm qua là những nỗ lực rất lớn của Tịnh thất cùng các phật tử. Nguồn kinh phí eo hẹp nên Tịnh thất chủ yếu mượn đất của người dân để tự canh tác các loại rau, củ, quả sạch phục vụ bữa cơm từ thiện, chỉ mua thêm các loại nguyên liệu khác mà Tịnh thất không tự cung ứng được như gạo, muối, đậu hũ… từ đóng góp của sư thầy cùng các phật tử gần xa. Có khi không đủ kinh phí, phải mua nợ, mua thiếu nhưng không vì thế mà Tịnh thất giảm bớt suất ăn cho bệnh nhân nghèo. Hiện mỗi tháng, Tịnh thất tặng miễn phí hơn 7.000 suất cơm chay, với tổng kinh phí hơn 25 triệu đồng cho các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Dẫu biết càng tăng số lượng suất ăn, Tịnh thất sẽ càng tăng áp lực về kinh phí và tổ chức hoạt động, nhưng đối với sư thầy cùng các phật tử, những bữa cơm chắc dạ ấm lòng là cách chia sẻ và động viên thiết thực nhất đối với các bệnh nhân nghèo, góp sức cùng họ vượt qua khó khăn, chiến thắng bệnh tật. 

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.