Nhớ về thời mở đất
Hơn 40 năm về trước, theo chủ trương di dân đi làm kinh tế mới của đảng và nhà nước, những người dân thái bình đã đặt chân đến vùng đất buôn triết (huyện lắk) để khai hoang mở đất, xây dựng quê hương mới.
Người đi mở đất
Ở vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Phạm Minh Hoạch (thôn Mê Linh, xã Buôn Triết) vẫn nhớ như in những ký ức ngày đầu đặt chân lên mảnh đất này. Tháng 3-1978, ông dẫn đầu 117 hộ dân với trên 700 nhân khẩu vào vùng đất xã Yang Bung (nay là 2 xã Buôn Triết và Buôn Tría) để khai hoang, mở đất. Khi đó, nơi đây là vùng đồi núi hoang vu, cây cối rậm rạp, hằng đêm người dân vẫn nghe tiếng gầm rú của những con thú dữ trong rừng vọng lại.
Cuộc sống mới nơi đất lạ vô cùng gian khổ, hiểm nguy, không chỉ đối mặt với thú dữ rình rập mà còn với căn bệnh sốt rét rừng triền miên và cả cái đói cận kề. Với cương vị là Bí thư Đảng ủy xã Yang Bung bấy giờ, ông Hoạch vẫn luôn động viên bà con cố gắng bám trụ để khai hoang, trồng trọt tạo nguồn lương thực phục vụ đời sống. Thời điểm đó chưa có máy móc, trâu bò nên việc khai hoang chủ yếu bằng sức người. Với đôi bàn tay cần cù, chịu khó, mỗi ngày ông và người dân lăn lộn giữa đầm lầy phát lau sậy, người khỏe nhất cũng chỉ khai hoang được chừng 20 m2 đất, rồi lấy cây chọc lỗ bỏ thóc vào lấp lại. Đến khi cấy được ít lúa, ít bắp thì cũng chẳng thu được bao nhiêu bởi bị thú rừng phá hoại, chim chóc ăn hết. Đã có những lúc thiếu đói, gia đình ông và các hộ khác phải mang áo quần đến các buôn đồng bào dân tộc thiểu số gần đó đổi lấy ít ngô, khoai, sắn lót dạ qua ngày.
Ở nhà chăm sóc cây cảnh là niềm vui của ông Phạm Minh Hoạch sau khi nghỉ hưu. Ảnh: T.Hoàng |
Khó khăn, thiếu thốn chất chồng khiến một số hộ dân sợ hãi, chán nản quay trở lại quê cũ, số người bám trụ lại chỉ còn khoảng một nửa so với ban đầu. Để người dân yên tâm sản xuất, gắn bó với mảnh đất này, ông Hoạch đã vận động bà con tiếp tục khai hoang để mở rộng diện tích sản xuất, cùng với đó là xây dựng nhà ở để an cư. Dần dần, thời kỳ khó khăn cũng trôi qua, mảnh đất vốn hoang sơ đã trở nên màu mỡ, phủ một màu xanh bạt ngàn với những cánh đồng lúa trải dài. Những vụ mùa bội thu không chỉ giúp người dân có cái ăn, cái mặc mà hơn hết còn tạo điều kiện để họ đầu tư xây dựng nhà cửa, mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.
“Vua lúa” trên tây nguyên
Rời vùng đất lúa (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) vào xã Yang Bung từ năm 1978, chàng thanh niên 22 tuổi Lã Như Kỹ phát hiện vùng đất này rất thích hợp với cây lúa nước. Chỉ với hai bàn tay trắng, ông cùng nhiều người dân khác vẫn tích cực khai hoang, mở rộng diện tích sản xuất. Thế nhưng, với lối canh tác lạc hậu, cộng với nạn chim, chuột phá hoại cây trồng diễn ra triền miên nên mỗi vụ lúa thu về chẳng được bao nhiêu.
Hiện cư trú tại phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột, ông Kỹ vẫn không thể quên quãng thời gian gần 10 năm khai hoang trên vùng Buôn Tría, Buôn Triết. Lúc bấy giờ việc trồng lúa hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, thời tiết nên năng suất, sản lượng đạt thấp. Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn mất mùa, cuộc sống bữa đói bữa no, năm 1994, ông cùng một người bạn “làm liều” vay 40 triệu đồng mua máy cày hiệu MTZ nhận khai hoang 13 ha của Nông trường 8-4 để lại (Nông trường này giải thể từ năm 1983). Vụ đầu tiên họ thu về được 100 tấn lúa - đây là động lực để ông tiếp tục bám với ruộng đồng ở quê hương thứ hai. Năm 1995, ông và người bạn tiếp tục đầu tư mua 1 máy cày, khai hoang được thêm 100 ha đất trồng lúa nước. Đến năm 2009, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp cánh đồng 8/4 được thành lập, do ông Kỹ làm Chủ nhiệm (nay là Phó Giám đốc HTX). Ngay sau khi thành lập, HTX đã đầu tư máy móc, xây dựng hệ thống kênh mương, hằng năm cung ứng, bơm tưới cho khoảng 1.800 ha lúa nước/2 vụ. Hơn 10 năm qua, với trọng trách của một lãnh đạo HTX, ông vẫn luôn đồng hành cùng với xã viên và nông dân vùng lúa ở 3 xã gồm Buôn Tría, Buôn Triết và Đắk Liêng (huyện Lắk) trong canh tác cây lúa nước. Cũng từ đó, nhắc đến ông Kỹ, người dân lại gọi ông bằng cái tên thân thương “vua lúa”.
Ông Lã Như Kỹ giới thiệu về sản phẩm gạo đen của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp cánh đồng 8/4. Ảnh: T.Hoàng |
Không dừng lại ở đó, khi tỉnh có chủ trương xây dựng vùng sản xuất lúa giống tại huyện biên giới Ea Súp, năm 2019, ông và các thành viên HTX đã mạnh dạn đưa vào trồng các giống lúa đặc sản có giá trị kinh tế cao trên diện tích khoảng 100 ha. Hiện nay, các dòng sản phẩm như gạo đen Phúc Thọ, gạo đỏ huyết rồng, gạo trắng ST24, ST25 của HTX Dịch vụ nông nghiệp cánh đồng 8/4 sản xuất tại huyện Ea Súp được thị trường đón nhận, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Có thể nói, rời quê hương đi xây dựng và phát triển kinh tế ở vùng đất mới, lớp cha ông đã vượt qua muôn ngàn gian khó, gây dựng cuộc sống ấm no, giàu mạnh cho người dân vùng vựa lúa lớn của huyện Lắk. Cũng từ trong khó khăn, gian khổ đó, chẳng biết từ khi nào, họ đã khắc sâu vào tâm trí, xem mảnh đất Đắk Lắk như là quê hương thứ hai để gắn bó suốt cuộc đời.
Thúy Hồng – Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc