Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp sau đào tạo nghề

08:47, 25/03/2021

Những năm qua, công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn được các cấp, ngành và địa phương, hội phụ nữ chú trọng, góp phần quan trọng giúp nhiều phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, đồng thời tạo cơ hội cho chị em nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội.

Sau khi tham gia lớp học nghề chăn nuôi lợn do hội phụ nữ phối hợp tổ chức vào năm 2018, bà Lộc Thị Tẳm (xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ) đã mạnh dạn đầu tư 150 triệu đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Kiến thức đã được học như kỹ thuật chọn giống, chăm sóc, phòng dịch bệnh... cho lợn được bà áp dụng khá hiệu quả, nhờ vậy đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập cao hơn hẳn so với việc buôn bán tạp hóa nhỏ lẻ trước đây. Từ kết quả ban đầu, vợ chồng bà dự định thời gian tới sẽ mở rộng quy mô chuồng trại để phát triển đàn lợn lên khoảng 100 con, gấp gần 3 lần so với hiện nay.

Phụ nữ huyện Lắk tham gia khóa học nghề nấu ăn.
Phụ nữ huyện Lắk tham gia khóa học nghề nấu ăn.

Tương tự như bà Tẳm, nhiều hội viên, phụ nữ đã áp dụng kiến thức được học vào sản xuất, kinh doanh khá hiệu quả. Theo Hội LHPN tỉnh, hằng năm Hội đã chỉ đạo các cấp hội khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên, trên cơ sở đó phân loại nhu cầu và đề xuất với ngành chức năng bố trí cho chị em học các ngành nghề phù hợp. Cụ thể, trong 10 năm trở lại đây, các cấp hội đã phối hợp tổ chức 480 lớp học nghề cho 16.561 phụ nữ nông thôn về các ngành nghề như: cắt may, trang điểm, nấu ăn, chăn nuôi thú y, trồng trọt, chăm sóc cây công nghiệp, trồng nấm và các nghề truyền thống nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Kết quả, có 11.564 chị tự tạo việc làm ngay tại gia đình; 1.017 chị được các cấp hội giới thiệu làm việc tại các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh với mức thu nhập ổn định từ 3 - 5 triệu đồng/tháng; 629 chị đi xuất khẩu lao động có thời hạn.

Để góp phần thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn, các cấp hội phụ nữ quan tâm đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình sau học nghề. Thông qua các diễn đàn, ngày hội khởi nghiệp, giao lưu – chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, nhiều hội viên phụ nữ đã được cung cấp kiến thức, kỹ năng, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong việc lên ý tưởng khởi nghiệp, cách tiếp cận thị trường để tiêu thụ sản phẩm... Nhờ đó, nhiều mô hình kinh tế do phụ nữ quản lý đạt hiệu quả cao như Tổ phụ nữ ươm giống cây trồng (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột); Hợp tác xã nuôi gà sạch Minh Hạnh (xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ); Tổ liên kết sản phẩm thổ cẩm Ea Tul (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar)…

Hội viên Hội LHPN xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) tham quan mô hình phát triển kinh tế từ chăn nuôi gia cầm của hội viên trong xã.
Hội viên Hội LHPN xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) tham quan mô hình phát triển kinh tế từ chăn nuôi gia cầm của hội viên trong xã.

Trước đây, sản phẩm của các mô hình sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp do phụ nữ quản lý còn mang tính thủ công, theo kinh nghiệm, chưa quan tâm đến mẫu mã, bao bì sản phẩm, chưa đăng ký kinh doanh, thương hiệu sản phẩm; không có sự liên kết trong sản xuất, kinh doanh nên chất lượng, giá thành sản phẩm chưa cao. Do đó, Hội đã phối hợp với các đơn vị như Liên minh Hợp tác xã, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng kinh doanh số, tạo lập thương hiệu sản phẩm, xây dựng logo sản phẩm, kinh doanh online, quy trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP… Từ đây, nhiều mô hình kinh tế của hội viên ứng dụng và làm theo mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như mô hình trồng cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP của hộ bà Chu Thị Dần (phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ) nhờ Hội LHPN phường hỗ trợ một phần, tạo đầu ra ổn định và sản phẩm cũng có giá trị cao hơn so với sản xuất theo lối thủ công truyền thống trước kia.

Ngoài việc cung cấp kiến thức, kỹ năng, các cấp hội đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại cho phụ nữ vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập. Riêng việc triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” trong 4 năm (từ 2017 - 2020), các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã hỗ trợ 3.150 mô hình phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp với số vốn 44,6 tỷ đồng. Do đó, công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ đã góp phần quan trọng giúp nhiều hội viên phụ nữ vùng nông thôn thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thúy Hồng
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.