Multimedia Đọc Báo in

Bịt "lỗ hổng" thông tin về COVID-19

15:32, 28/05/2021

Ngày 21-5, Bộ Y tế có Văn bản số 4191/BYT-TT-KT đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ, sở y tế các tỉnh, thành phố điều chỉnh công tác cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống dịch COVID-19 theo Văn bản số 1631 của Bộ Thông tin - Truyền thông. Thế nhưng, trong thực tế có một "lỗ hổng" rất lớn đã góp sức lan truyền rất chi tiết các thông tin liên quan đến COVID-19.

Theo Văn bản số 1631, Bộ Thông tin - Truyền thông cho rằng, một số phương thức và nội dung cung cấp thông tin về phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có việc công bố công khai danh tính và lịch trình di chuyển của nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 gần đây bộc lộ nhiều bất cập. Những thông tin này được báo chí đăng tải, mạng xã hội lan truyền, xâm phạm đời tư, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người bệnh và cuộc sống, sinh hoạt của gia đình họ.

 

Báo cáo của trạm y tế phường, kết quả xét nghiệm của ca bệnh  được vô tư lan truyền trên mạng xã hội.
Báo cáo của trạm y tế phường, kết quả xét nghiệm của ca bệnh được vô tư lan truyền trên mạng xã hội.

 

Theo tinh thần Văn bản 1631, Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố, các cơ quan y tế không công bố cho báo chí danh tính, chi tiết về lịch trình di chuyển và chi tiết quá trình tiếp xúc của bệnh nhân. Các cơ quan y tế chỉ đạo, quán triệt các nhân viên y tế thực hiện nghiêm quy định tại Luật Khám chữa bệnh; không được tiết lộ bằng bất cứ hình thức nào thông tin cá nhân (danh tính, tuổi, địa chỉ…) của bệnh nhân mắc COVID-19.

Việc Bộ Y tế và Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp, có sự chỉ đạo điều chỉnh lại công tác cung cấp thông tin về phòng, chống dịch COVID-19 là điều cần thiết nhưng xem ra chỉ mới đúng một phần và có lẽ oan cho… báo chí, khi cho rằng từ thông tin của báo chí đăng tải, sau đó mạng xã hội mới lan truyền, suy diễn.

Theo dõi tình hình thông tin báo chí từ khi dịch COVID-19 xảy ra từ đầu năm 2020 đến nay có thể thấy, các cơ quan báo chí trong cả nước rất thận trọng, cân nhắc khi thông tin về các vấn đề liên quan đến COVID-19. Hầu như báo chí không bao giờ công khai danh tính của bệnh nhân và các trường hợp tiếp xúc gần F1, F2 mà thường chỉ ghi tắt họ tên của họ. Thậm chí, có những trường hợp bệnh nhân COVID-19 từ nước ngoài nhập cảnh về, gây bùng phát dịch trong nước, tạo bức xúc trong dư luận nhưng báo chí cũng không đề cập đến danh tính của họ.

Trong khi đó, những thông tin bất lợi, công khai danh tính, địa chỉ, điện thoại của bệnh nhân COVID-19 và các trường hợp F1, F2… phần lớn lại bắt nguồn từ chính trong nội bộ của ngành y tế. Chưa biết cung cấp thông tin cho báo chí như thế nào nhưng mỗi khi có bệnh nhân COVID-19 thì danh tính, lịch trình, địa chỉ, điện thoại của ca bệnh và cả các trường hợp F1, F2 ngay lập tức xuất hiện tràn lan trên các mạng xã hội Zalo, Facebook, Messenger. Tất cả các văn bản báo cáo rất chi tiết của cơ quan y tế hay của các cấp chính quyền, thậm chí cả kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19 đều xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội, rồi từ đó truyền từ người này sang người kia một cách nhanh chóng.

Đơn cử gần đây nhất, trường hợp 2 bệnh nhân COVID-19 mà tỉnh Đắk Lắk ghi nhận trong 2 ngày 8 và 9-5, ngay lập tức các báo cáo chi tiết của trạm y tế phường, kết quả xét nghiệm của cơ quan chuyên môn, rồi danh tính, địa chỉ, số điện thoại của 2 ca bệnh và hàng trăm người tiếp xúc F1, F2 đã lan tràn trên mạng xã hội, truyền từ người này sang người khác với tốc độ chóng mặt.

Tất cả các thông tin đó chắc chắn chỉ có được và phát tán bắt đầu từ ngay trong nội bộ cơ quan y tế. Những người có trách nhiệm thu thập thông tin, soạn thảo các văn bản liên quan ở các cơ quan y tế đã vô tư cung cấp cho mọi người mà không theo một quy trình nào.

Rõ ràng, trong khi báo chí chưa được cung cấp thông tin một cách chính thống thì ngay chính các cơ quan y tế đã vô tư phát tán, lan truyền các thông tin liên quan đến COVID-19 một cách công khai, chẳng có một chế tài nào xử lý. Có lẽ cũng từ nguyên nhân này mà ngày 9-5 đã xuất hiện tình trạng giả mạo văn bản của Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ về tình hình dịch khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý.

Thiết nghĩ, cùng với điều chỉnh việc cung cấp thông tin cho báo chí thì ngay trong chính nội bộ ngành y tế cần phải nhanh chóng chấn chỉnh, bịt ngay những “lỗ hổng”, có chế tài xử lý những cơ quan y tế, nhân viên y tế, nhân viên văn phòng vô tư phát tán các thông tin liên quan đến COVID-19. Bởi vì, chính từ nguồn thông tin “quá đầy đủ” này mới giúp mạng xã hội phát triển, suy diễn, khiến cộng đồng bám theo bình luận, xâm phạm đời tư, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người bệnh COVID-19 và cuộc sống, sinh hoạt của gia đình họ.

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.