Multimedia Đọc Báo in

Vườn Quốc gia Yok Đôn tăng cường bảo vệ các loài động vật hoang dã

07:55, 26/05/2021

Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn được thành lập năm 1992, là VQG lớn thứ hai cả nước với diện tích 115.545 ha và cũng là nơi duy nhất bảo tồn rừng khộp (DDF) ở Việt Nam.

DDF là một kiểu hệ sinh thái rừng độc đáo có nhiều loài quan trọng và đặc hữu. VQG Yok Đôn là nơi sinh sống của rất nhiều loài động vật hoang dã, gồm 92 loài thú, 373 loài chim, 18 loài lưỡng cư, 55 loài bò sát, và 1006 loài thực vật, hàng trăm loài cá nước ngọt và hàng nghìn loài côn trùng. Nhiều loài trong số này được liệt kê trong Sách đỏ IUCN. Điều đó đặt ra những thách thức rất lớn trong công tác bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã nơi đây.

Ông Phạm Tuấn Linh, Giám đốc VQG Yok Đôn cho biết, diện tích rừng cần bảo vệ rất lớn trong khi nương rẫy của người dân nằm đan xen khu vực rừng nên các đối tượng thường lợi dụng vào rừng săn, bắn, bẫy bắt các loài động vật. Đặc biệt, trong thời điểm mùa khô, khi thảm thực bì cháy, động vật rừng thường di chuyển vào những khu vực rừng bán thường xanh và rừng thường xanh để trú ẩn, ở những nơi gần nguồn nước còn sót lại trong rừng như các hồ nước, vũng nước. Lợi dụng tập tính này của động vật rừng, nhiều đối tượng đã tăng cường săn, bắn, bẫy bắt các loài động vật trong mùa khô.

 

Trạm Kiểm lâm số 8 phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê phát hiện các bẫy thú trong rừng.
Trạm Kiểm lâm số 8 phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê phát hiện các bẫy thú trong rừng.

 

Tính từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng Kiểm lâm VQG Yok Đôn đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý 37 vụ liên quan đến săn bắt động vật hoang dã. Trong đó có 20 vụ có chủ và 17 vụ vô chủ; tang vật tịch thu gồm 5 cá thể động vật rừng và hơn 120 kg thịt động vật; ngoài ra lực lượng kiểm lâm còn tịch thu 27 khẩu súng săn độ chế, hơn 150 bẫy cáp các loại. Đa phần các hành vi vi phạm chủ yếu là săn, bẫy, bắt động vật rừng trái phép và vận chuyển, mua, bán động vật rừng, vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng (mang phương tiện, dụng cụ vào săn bắt động vật rừng trái phép).

Nhiều tháng nay, anh Nguyễn Thế Cường, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 9 thuộc VQG Yok Đôn cùng đồng đội phải căng mình thường trực tại điểm chốt nằm sâu trong rừng. Anh Cường chia sẻ: Trạm Kiểm lâm số 9 quản lý và bảo vệ 17 tiểu khu, tương đương diện tích khoảng 17.000 ha rừng.

Đây là khu vực nằm trong vùng lõi của VQG. Trong thời gian cao điểm, có những ngày Trạm đã phát hiện hơn 10 chiếc bẫy dây các loại. Đa phần các loại bẫy dây này được đặt ở những khu vực rừng thường xanh và gần các vũng nước, hố nước mà động vật thường đến uống nước. Theo anh Cường, khi động vật rừng trúng bẫy nếu nhẹ thì bị thương, nặng thì bị chết; nhiều khi lực lượng tuần tra cũng vướng phải những bẫy này, rất nguy hiểm…

Chính vì vậy, để ngăn chặn kịp thời các hoạt động xâm phạm rừng, đặc biệt là động vật hoang dã, Trạm Kiểm lâm số 9 đã bố trí 3 chốt đóng tại các vị trí trọng điểm, tuần tra quanh khu vực các đối tượng có thể lợi dụng săn, bắt động vật. Ngoài ra, Trạm còn phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpốk trong tuần tra bảo vệ rừng.

Cụ thể như vụ việc xảy ra vào ngày 5-5-2020, trong quá trình tuần tra, mật phục, lực lượng Trạm Kiểm lâm số 9 đã phát hiện, bắt giữ 6 đối tượng có hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã; tang vật thu giữ gồm hơn 10 kg thịt heo rừng sấy khô, một cá thể mang (hoẵng) còn sống. Trạm đã xử phạt hành chính đối với các đối tượng; yêu cầu các đối tượng trực tiếp thả cá thể mang còn sống về lại tự nhiên và tiêu hủy 10 kg thịt heo rừng. Trong vòng nửa đầu tháng 5-2021, Trạm Kiểm lâm số 9 cũng đã phát hiện và thu giữ hơn 33 chiếc bẫy dây các loại đang được cài sẵn trong rừng.

 

Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn kịp thời phát hiện và gỡ bẫy cho một cá thể khỉ.
Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn kịp thời phát hiện và gỡ bẫy cho một cá thể khỉ.

 

Không riêng Trạm Kiểm lâm số 9, mà tất cả 16 trạm kiểm lâm và đội cơ động thuộc VQG Yok Đôn luôn phải tăng cường lực lượng bám trạm, bám chốt, bám rừng, nhất là trong mùa khô để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi xâm hại rừng.

Ông Phạm Tuấn Linh thông tin thêm: VQG Yok Đôn đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ như tăng cường tần suất, mật độ tuần tra và mật phục của lực lượng kiểm lâm kết hợp quá trình tuần tra, mật phục với tập trung gỡ bẫy và áp dụng khoa học công nghệ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật đến từng cộng đồng dân cư vùng đệm nhằm thay đổi thói quen phụ thuộc vào rừng của một số bộ phận người dân; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, trong đó thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, giữa các trạm kiểm lâm với các đồn biên phòng.

Ngọc Lân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.