Tích cực tạo việc làm cho lao động dân tộc thiểu số
Là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, các doanh nghiệp của tỉnh đang nỗ lực, chú trọng giải quyết việc làm cho người dân. Qua đó, giúp nhiều người có việc làm, thu nhập ổn định, tạo đà vươn lên trong cuộc sống.
Là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, các doanh nghiệp của tỉnh đang nỗ lực, chú trọng giải quyết việc làm cho người dân. Qua đó, giúp nhiều người có việc làm, thu nhập ổn định, tạo đà vươn lên trong cuộc sống.
Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) của tỉnh đã tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, trong đó có không ít lao động là đồng bào DTTS. Điển hình như tại Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột), một trong những khu vực sử dụng đông lao động của tỉnh. Tại đây, các công ty, DN đã và đang ưu tiên tuyển dụng lao động người DTTS ở địa phương. Theo thống kê, tổng số lao động đang làm việc tại khu công nghiệp là 1.917 người, trong đó có gần 500 lao động là người DTTS.
Lao động là người dân tộc thiểu số làm việc tại Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á. |
Là DN đứng chân trên địa bàn xã Hòa Phú, vốn được biết đến là địa phương có nhiều buôn đồng bào DTTS, trong tuyển dụng, Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á chủ trương ưu tiên giải quyết việc làm cho lao động DTTS tại chỗ. Hiện có 20% lao động tại đơn vị là người DTTS.
Với lao động được nhận vào làm, công ty tổ chức đào tạo sau tuyển dụng. Ngoài mức tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, trang bị bảo hộ lao động đầy đủ, công ty còn tăng các chính sách đãi ngộ với công nhân như: tiền thưởng chuyên cần, phụ cấp tiền ăn, tăng ca, phụ cấp xăng xe hoặc hỗ trợ xe đưa đón… xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định để duy trì việc làm lâu dài, người lao động tận tâm, gắn bó với công ty.
Ông Võ Thành Long, Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á cho hay, mới đây công ty đã tổ chức kết nghĩa với buôn M’Brê (xã Hòa Phú). Đây sẽ là địa bàn được đơn vị ưu tiên tuyển dụng, tạo công ăn việc làm để người dân có thu nhập, ổn định cuộc sống.
“Việc hướng tới tuyển dụng lao động là người DTTS tại chỗ nhằm bảo đảm tính ổn định lâu dài cho công ty, tạo công ăn việc làm cho lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương".
ông Võ Thành Long, Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á
|
Tương tự, những năm trở lại đây, ngoài sản phẩm cà phê chế biến là thế mạnh chủ lực, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái còn mở rộng thêm nhà máy chế biến trái cây sấy. Lực lượng lao động đang làm việc tại đây hiện có gần 30% là người DTTS, với mức lương từ 7 - 9 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty cho hay, thực hiện chiến lược mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty có nhu cầu tuyển dụng thêm khoảng 1.500 lao động. Công ty chú trọng tuyển dụng nguồn lao động tại chỗ, đặc biệt ưu tiên tạo việc làm cho lao động DTTS ở địa phương.
Theo các DN, không ít lao động DTTS vốn là nông dân bao đời gắn bó với canh tác nông nghiệp, nhưng từ khi được nhận vào làm việc tại các DN, xí nghiệp, họ cũng thay đổi nhiều trong suy nghĩ, xóa dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Thay vào đó, họ tập cho mình ý thức kỷ luật trong lao động, chăm chỉ, trung thực trong làm việc. Điều này đã tác động tích cực, khuyến khích các tổ chức, đơn vị tiếp tục sử dụng nhiều hơn lao động là đồng bào DTTS. Qua đó đã giúp người lao động có thêm việc làm, thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Anh Y Vương Ktul (buôn Dray H’Linh, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột, công nhân Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á) tâm sự: “Năm 2017, tôi ra trường với tấm bằng trung cấp nghề, thời điểm đó tìm được công việc đã khó, có được mức lương ổn định, đủ trang trải cho cả gia đình càng khó hơn. May mắn khi được vào làm việc tại Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á, tôi được đào tạo nâng cao tay nghề, DN đối xử tốt với tôi và đồng nghiệp luôn xem nhau như người trong một nhà. Hiện với mức lương hơn 10 triệu đồng mỗi tháng, đủ để tôi lo cho vợ con. Đặc biệt, khi có công ăn việc làm ổn định, tôi về động viên nhiều thanh niên khác nỗ lực học tập và đã giới thiệu cho 3 thanh niên ở buôn vào làm việc tại công ty”.
Được biết, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chính sách quan tâm đến công tác giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS. Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã tuyển mới và đào tạo nghề cho 169.917 lao động, trong đó lao động người DTTS là 27.667 người. Tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm và tăng năng suất lao động sau đào tạo đạt 77,6%.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc