Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng đô thị văn minh ở phường An Lạc: Khi người dân đồng thuận

08:12, 03/06/2021

Là phường trung tâm của thị xã Buôn Hồ, thời gian qua phường An Lạc có nhiều chuyển biến về xây dựng đô thị văn minh, xanh - sạch – đẹp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Trên địa bàn phường An Lạc có nhiều  trụ sở cơ quan hành chính của thị xã đóng chân, có khu đô thị mới, nhiều điểm vui chơi, dịch vụ… tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Chính vì thế, địa phương luôn xác định việc xây dựng đô thị văn minh là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Với sự vào cuộc của các ban, ngành, tổ chức đoàn thể và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, công tác xây dựng đô thị văn minh trên địa bàn phường đã tạo nên diện mạo mới.

Các tuyến đường hẻm nội thị cơ bản được nhựa hóa, bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại; vệ sinh môi trường cơ bản được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hiện 95% số hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa, 15/15 buôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa...

Vỉa hè đường Phạm Văn Đồng được lát gạch khang trang.
Vỉa hè đường Phạm Văn Đồng được lát gạch khang trang.
“Triển khai thực hiện xây dựng đô thị văn minh, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân; từ đó thay đổi nhận thức, nâng cao trách nhiệm trong việc tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là làm đường giao thông, vỉa hè, điện chiếu sáng, nhà sinh hoạt, sân chơi… tại các buôn, tổ dân phố để tạo cảnh quan đô thị". 
Phó Bí thư Đảng ủy phường An Lạc Hà Minh Tuấn

Năm 2020, người dân sinh sống dọc hai bên tuyến đường Phạm Văn Đồng (tổ dân phố 8) đã đóng góp cùng Nhà nước lát gạch vỉa hè với chiều dài 384 m, tổng kinh phí thực hiện gần 600 triệu đồng; trong đó, 47 hộ dân đóng góp 270 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Lập, một hộ dân sinh sống trên tuyến đường chia sẻ: “Gia đình tôi có 33 m mặt đường nên đã đóng 11 triệu đồng cùng người dân và địa phương lát gạch vỉa hè nhằm tạo cảnh quan, môi trường sạch đẹp cho con đường này. Từ khi vỉa hè hai bên đường được lát gạch sạch sẽ, việc buôn bán của gia đình cũng thuận lợi hơn”.

Hiện nay, tuyến đường Phạm Văn Đồng đã trở thành con đường đẹp nhất trên địa bàn phường do không chỉ mới được bê tông hóa, lát vỉa hè sạch sẽ mà còn rợp bóng cây xanh.

Theo số liệu thống kê của UBND phường, thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 13-11-2018 của Thị ủy về “Xây dựng đô thị văn minh của thị xã Buôn Hồ giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng 2025”, trong 5 năm trở lại đây phường An Lạc đã nhựa hóa, bê tông hóa, lát gạch vỉa hè với tổng chiều dài trên 2.483 m; tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến đường trên địa bàn phường hiện đạt trên 80%.

Cuối năm 2020, UBND phường An Lạc đã huy động người dân ở 15 buôn, tổ dân phố đóng góp trên 121 triệu đồng (100.000 đồng/hộ) cùng với nguồn ngân sách của địa phương lắp được 32 camera giám sát an ninh trật tự (tổng kinh phí thực hiện trên 166 triệu đồng). Đồng thời tuyên truyền, vận động 77 hộ dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tổ chức đã có sẵn hệ thống camera giám sát, tiếp tục lắp đặt thêm 1 mắt hoặc điều chỉnh hướng quan sát ra phía ngoài đường để hỗ trợ lực lượng chức năng trích xuất hình ảnh khi cần. Qua đó, góp phần giúp địa phương đẩy lùi các loại tội phạm, giảm tai nạn giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường…

Cán bộ phường An Lạc thăm hỏi và động viên một hộ dân được Hội LHPN phường hỗ trợ kinh phí xây nhà.
Cán bộ phường An Lạc thăm hỏi và động viên một hộ dân được Hội LHPN phường hỗ trợ kinh phí xây nhà.

Cùng với đó, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn phường ngày càng phát triển; các chính an sinh xã hội được quan tâm thực hiện; nhiều mô hình, công trình, phần việc ý nghĩa được triển khai kịp thời giúp người dân phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Đơn cử như trường hợp gia đình bà H’Liết M’lô (buôn Tring 2) đã vươn lên thoát nghèo nhờ được Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã và Ủy ban MTTQ Việt Nam phường hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà Đại đoàn kết vào cuối năm 2020. Trước đó khoảng 3 năm, gia đình bà cũng được Hội LHPN phường hỗ trợ vay 10 triệu đồng để mua 1 con bò sinh sản, đến nay đã tăng lên 5 con. Nhận được sự quan tâm giúp đỡ thiết thực cùng sự nỗ lực vươn lên, nhiều hộ đã thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn phường đã giảm từ 63 hộ (năm 2015) xuống còn 15 hộ (năm 2020).

Có thể nói, việc phát huy mọi nguồn lực, huy động sức dân phù hợp, sử dụng nguồn vốn hợp lý, hiệu quả đã tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua của địa phương; đồng thời, góp sức cùng với thị xã xây dựng thành công đô thị văn minh giai đoạn 2020 – 2025.

Thúy Hồng

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.