Multimedia Đọc Báo in

Chia sẻ với nông dân

08:05, 03/06/2021

Để làm ra được một loại nông sản, gần như cả vụ mùa, người nông dân phải "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Đã vậy, việc tiêu thụ sản phẩm không phải lúc nào cũng suôn sẻ, mà lắm khi phải qua bao nỗi nhọc nhằn, xót xa.

Quê tôi ở xã đặc biệt khó khăn của một huyện nghèo miền Trung. Vùng đất vẫn thường được ví “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, cây vải thiều trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Quả vải để chín cây tự nhiên, không dùng thuốc nên thường rất nhanh rộ mùa, nếu không kịp hái, chỉ khoảng 10 ngày sau là trái chín nẫu, sâu bệnh, rồi hư rụng.

Vào mùa vải, cũng là mùa gặt nên nông dân chẳng ai nhàn nhã. Nhiều người phải tranh thủ ngày gặt lúa, chiều muộn hái vải, sáng tinh mơ đem ra chợ bán, hoặc giữa trưa nắng lửa cũng phải mang hàng đi giao cho kịp, liên tục nhiều ngày như vậy dẫn đến kiệt sức, không gượng nổi. 

Vải thiều được mùa, ngọt ngon, nhưng giá bán như xát muối vào bàn tay trầy xước, dính đầy nhựa vải của người trồng, khi được giá lắm chỉ khoảng 20.000 đồng/kg, có khi rớt xuống chỉ còn 8 – 10 nghìn đồng/kg, nhưng người nông dân vẫn đành ngậm ngùi bán, vì loại quả này chín tự nhiên chẳng để lâu được. Không có đầu mối tiêu thụ, nhiều người đem ra chợ, ra đường đứng bán từng cân, nhẫn nại gom từng đồng lẻ dưới cái nắng hè miền Trung như thiêu đốt.

Thu hoạch bí đỏ ở huyện Ea Kar.
Thu hoạch bí đỏ ở huyện Ea Kar.

Chuyện được mùa, rớt giá gần như là nỗi buồn chung của người nông dân chân lấm tay bùn. Mùa bí đỏ tại Đắk Lắk mới đây cũng vậy. Giá bí có lúc chỉ còn 1 – 2 nghìn đồng/kg mà thương lái vẫn không mấy mặn mà. Mùa mưa lại cận kề nên nông dân như ngồi trên đống lửa, phải thu hoạch vội để tránh bị ngập úng. Loay hoay không tìm được đầu ra, một số người liên hệ với các trang trại chăn nuôi để bán bí đỏ làm thức ăn cho vật nuôi, với giá rẻ bèo, mong vớt vát lại đôi chút vốn đầu tư suốt cả mùa vụ, còn lại thu hoạch về chất đống, thậm chí có người đành bỏ mặc vì không đủ sức và chi phí cho thu hái...

Chia sẻ với nông dân, đã có những chương trình chung tay giải cứu nông sản, mới đây nhất là chương trình của tuổi trẻ giải cứu bí đỏ. Nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế, nhất thời. Điều người nông dân mong muốn vẫn là sự sẻ chia, hỗ trợ bằng những chính sách thiết thực để họ có thể yên tâm tiêu thụ sản phẩm mà mình đã vất vả làm ra, để không còn xảy ra cảnh giải cứu như trên nữa..

Bảo Minh

 


Ý kiến bạn đọc