Multimedia Đọc Báo in

Hơn 11.000 vụ vi phạm pháp luật môi trường từ năm 2007-2010

10:39, 27/12/2011

Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường cho biết, từ năm 2007 đến 2010, Cục đã phát hiện, điều tra, khám phá trên 11.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, trong đó chuyển cơ quan điều tra khởi tố gần 200 vụ, xử phạt vi phạm hành chính và truy thu phí môi trường trên 250 tỷ đồng.

Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an nhận định: Ở nước ta, vi phạm pháp luật môi trường diễn ra trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển kinh tế của đất nước, xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân như gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, lo lắng về thực phẩm kém an toàn... tại một số địa phương đã trở thành mầm mống mất an ninh trật tự.

Xả chất thải ra môi trường-vấn đề xã hội đang quan tâm. Ảnh: Thuý Hồng

Trong sản xuất công nghiệp, lợi dụng chủ trương mở cửa, chính sách thu hút vốn đầu tư của Nhà nước, và những sơ hở về pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh, nhưng không chú trọng việc xây dựng các hệ thống xử lý chất thải, nhất là các nhà máy, cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp đang trong giai đoạn hoàn thiện và các cơ sở nằm trên lưu vực sông. Đáng lo ngại là các doanh nghiệp tuy có hệ thống xử lý chất thải nhưng luôn cố tình vi phạm, thủ đoạn tinh vi, lén lút để xả thải ra môi trường như xây dựng hệ thống bí mật, phức tạp, được ngụy trang bằng hệ thống đạt tiêu chuẩn nên rất khó phát hiện, điển hình như vụ Công ty Vedan Việt Nam, Công ty Tungkuang, Công ty TNHH Miwon, Công ty Thuộc da Hào Dương, Công ty giấy Việt Trì...

Trong sản xuất  làng nghề, cả nước có trên 2.700 làng nghề, nhưng hầu hết do quy mô sản xuất nhỏ lẻ ở hộ gia đình, trình độ sản xuất thủ công theo kinh nghiệm, công nghệ sản xuất thô sơ, không quan tâm đến vấn đề xử lý chất thải, dẫn đến tình trạng môi trường tại các làng nghề rất đáng báo động. Chất thải từ hoạt động sản xuất của các làng nghề nhìn chung không được xử lý mà xả trực tiếp ra mương, ao, hồ, ruộng lúa... Các chất thải độc hại khó phân hủy tại các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề thuộc da, dệt nhuộm và tái chế kim loại đã làm cho các chỉ tiêu môi trường đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhiều lần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của nhân dân.

Để đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường kiến nghị Chính phủ có nghị quyết giao cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội, các địa phương tự đề ra giải pháp xử lý ô nhiễm ở đơn vị, doanh nghiệp, địa phương mình trong thời gian nhất định, có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Sau thời gian đó, nếu các doanh nghiệp còn vi phạm thì sẽ điều tra, xử lý theo tình tiết tăng nặng. Cục cũng đề nghị các bộ, ngành tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra công khai, kết hợp với điều tra xử lý bằng biện pháp nghiệp vụ công an đối với các cơ sở, địa bàn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công an rà soát, lập danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có kế hoạch xử lý triệt để từ nay đến năm 2015...

T.H (Nguồn monre.gov.vn)


Ý kiến bạn đọc


Trang trọng lễ đón hài cốt liệt sĩ từ Campuchia về nước
Ngày 22/5, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk trang trọng tổ chức Lễ đón nhận, truy điệu, an táng 27 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia