Multimedia Đọc Báo in

Thị xã Buôn Hồ lập lại trật tự trong quản lý đất rừng thông

08:39, 24/04/2017

Trước tình trạng các hộ dân địa phương lấn chiếm đất rừng thông để sản xuất, từ đầu năm 2017, thị xã Buôn Hồ đã thực hiện nhiều biện pháp kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Theo Quyết định số 623/QĐ-UBND, ngày 18-3-2009 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch đèo Hà Lan, thị xã Buôn Hồ sẽ được đầu tư xây dựng khu này thành một quần thể rừng cảnh quan sinh thái, với tổng diện tích trên 200 ha, kinh phí thực hiện 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hơn 8 năm, dự án này vẫn nằm trên giấy. Trong khi đó, từ năm 2010 đến nay, hầu hết khu vực đất trồng thông dọc đường Hồ Chí Minh nói chung, đoạn qua thị xã Buôn Hồ nói riêng, tình trạng người dân chặt hạ, lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp diễn ra thường xuyên, nhiều rừng thông khu vực này gần như bị xóa sổ. Hành vi lấn chiếm của các hộ dân chủ yếu là trồng xen các loại cây khác dưới tán thông hoặc ken (khoanh vỏ) đốt chết, sau đó mới chặt hạ gốc thông. Ngoài cà phê được người dân trồng chủ yếu trong những năm 1990, trong 3 năm gần đây, một số hộ chiếm đất rừng thông để trồng hồ tiêu và bơ. Việc xử lý các hành vi trên chưa dứt điểm, thường chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính nên tình trạng lấn chiếm đất rừng thông vẫn tiếp diễn và diện tích đất rừng thông càng bị thu hẹp.

Diện tích đất rừng thông tại phường Bình Tân bị người dân lấn chiếm trồng cà phê.
Diện tích đất rừng thông tại phường Bình Tân bị người dân lấn chiếm trồng cà phê.

Phường Bình Tân là địa phương có diện tích đất rừng thông nhiều nhất thị xã Buôn Hồ, với hơn 36 ha, trong đó hơn 2,7 ha đất bị lấn chiếm để trồng các loại cây lâu năm như cà phê, tiêu, bơ và một số cây trồng ngắn ngày khác. Trên diện tích đất lấn chiếm, cây lâu năm của dân đã dần thay thế cây thông, trong đó, một số hộ có diện tích lấn chiếm lớn, gần 5.000 m2 như hộ bà M.T.T (tổ dân phố 1) trồng 1.000 gốc tiêu và cà phê; hộ ông H.K (tổ dân phố 4) lấn chiếm gần 4.400 m2.

Để bảo vệ cảnh quan rừng thông dọc đường Hồ Chí Minh, đầu năm 2017 thị xã Buôn Hồ đã huy động các lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, rà soát diện tích đất rừng bị lấn chiếm. Qua đó, chỉ đạo các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không được xâm hại đất rừng, cảnh quan rừng thông, đồng thời xử lý nghiêm đối với các đối tượng vi phạm.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND thị xã, phường Bình Tân tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện hành vi lấn chiếm đất rừng thông để sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở đó, phường đã thành lập các tổ dân vận đến các khu dân cư, nhà người dân để vận động họ tự nguyện trả lại đất rừng thông đã lấn chiếm từ trước đến nay. Theo đó, đối với các vùng đất sản xuất cây hằng năm, phường vận động người dân tranh thủ thu hoạch trước, còn tại khu vực trồng cây lâu năm chưa đến vụ thu, yêu cầu người dân ký cam kết sau khi thu hoạch xong phải trả lại đất lấn chiếm. Đối với các trường hợp hộ dân không tự nguyện thì phường sẽ  đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Ông Phạm Phú Lộc, Phó Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ cho biết, ngày 14-4-2017, UBND thị xã đã ban hành quyết định phê duyệt phương án thực hiện cưỡng chế thi hành các quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hộ dân lấn chiếm đất rừng thông. Theo đó, thị xã buộc 17 hộ dân tại phường Bình Tân phải trả lại đất, di dời các tài sản trên đất với diện tích hơn 27.600 m2 đất đã lấn chiếm. Thời gian thực hiện cưỡng chế trong 2 ngày 18 và 19-4, song nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và sự đồng tình của người dân, trong ngày đầu đã hoàn thành nhiệm vụ cưỡng chế. Được biết, sau khi cưỡng chế xong, thị xã sẽ tiến hành trồng khoảng 4.000 cây sao đen trên diện tích đất đã thu hồi, kinh phí thực hiện khoảng 300 triệu đồng nhằm tôn tạo lại cảnh quan cho khu vực đất rừng thông này.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.