Multimedia Đọc Báo in

Gian nan "cuộc chiến" giữ rừng

08:44, 18/01/2018

Thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp trong công tác quản lý bảo vệ (QLBV) rừng. Tuy nhiên, “cuộc chiến” giữ rừng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trước tình trạng khai thác lâm sản trái phép và lấn chiếm đất rừng.

Thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong năm 2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 1.407 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 2.441,7 m3 gỗ và 717 phương tiện các loại, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 18,8 tỷ đồng. So với năm 2016, số vụ vi phạm lâm luật giảm 217 vụ, đặc biệt không xảy ra cháy rừng.

Một khoảnh rừng ở huyện Ea Súp bị người dân chặt phá, đốt thực bì để chiếm đất.
Một khoảnh rừng ở huyện Ea Súp bị người dân chặt phá, đốt thực bì để chiếm đất.

Theo ông Y Sy H’Dơh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, công tác QLBV rừng trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, một số điểm nóng về an ninh rừng đã bị xử lý, số vụ vi phạm giảm. Tuy nhiên, vẫn xảy ra một số vụ khai thác lâm sản trái phép gây thiệt hại lớn về rừng, cho thấy vẫn còn tồn tại những “đầu nậu” khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn. 

Điển hình như ngày 17-8-2017, lực lượng chức năng phát hiện tại Tiểu khu 734 (xã Ea M’đoan, huyện M’Đrắk) do Ban quản lý rừng phòng hộ Núi Vọng Phu quản lý có 2 điểm tập kết gỗ với 171 phách gỗ có khối lượng 30,341 m3. Tiếp đó, ngày 21-11-2017, lực lượng chức năng phát hiện tại Tiểu khu 22 thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả (huyện Ea H’leo) quản lý có bãi tập kết 126 lóng, hộp gỗ (từ nhóm III đến nhóm VIII) với tổng khối lượng 45,1 m3. Ngày 4-12-2017, Ban quản lý rừng phòng hộ Núi Vọng Phu tiếp tục phát hiện một vụ phá rừng quy mô lớn xảy ra tại khoảnh 2 và 3, Tiểu khu 758 (xã Cư Króa, huyện M’Đrắk), với tổng diện tích rừng bị phá 6,581 ha, mức độ thiệt hại 100%...

Toàn tỉnh hiện có 526.354,2 ha rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên 471.583,4 ha, diện tích rừng trồng 54.770,8 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 39,3% 

Ngoài khai thác lâm sản trái phép, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy vẫn xảy ra thường xuyên ở một số địa phương trong tỉnh. Tại huyện Ea Súp, địa phương có diện tích rừng lớn, dân di cư tự do đông, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng luôn “nóng”. Chỉ tính riêng trong năm 2017, trên địa bàn huyện đã có 250 ha rừng bị phá, lấn chiếm trái phép. Ông Trương Văn Dự, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ea Súp cho biết, người dân phá rừng thường tập trung đông người, trong đó có cả phụ nữ, trẻ em, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Nếu ban ngày có lực lượng chức năng không phá rừng được thì họ tổ chức phá, lấn chiếm rừng vào ban đêm. Bên cạnh đó, do năng lực quản lý của một số chủ rừng có hạn cũng làm gia tăng tình trạng rừng bị phá, lấn chiếm trái phép.

Bãi gỗ trái phép bị lực lượng chức năng phát hiện ở một cánh rừng của huyện Ea Súp.
Bãi gỗ trái phép bị lực lượng chức năng phát hiện ở một cánh rừng của huyện Ea Súp.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Y Sy H’Dơh, để khắc phục những hạn chế yếu kém, nâng cao hiệu quả công tác QLBV và phát triển rừng, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8-8-2017 của Chính phủ và Chương trình số 13-CTr/TU ngày 19-5-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác QLBV rừng và phát triển rừng.

Trong đó yêu cầu các ngành chức năng, địa phương thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong QLBV và phát triển rừng; kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy quản lý Nhà nước về QLBV và phát triển rừng; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về lâm luật, đặc biệt là các “đầu nậu” khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; rà soát, thu hồi diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép; quản lý chặt chẽ dân di cư tự do. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, sắp xếp các công ty TNHH MTV lâm nghiệp; tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào các dự án phát triển rừng…

Qua đó, nhằm bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đẩy mạnh công tác khôi phục và phát triển rừng để tăng tỷ lệ che phủ rừng từ 39,2% (năm 2015) lên 40,2% (năm 2020) và đạt 42,1% (năm 2025); đồng thời góp phần giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân sống gần rừng, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững.

Vạn Tiếp

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.