Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả mô hình tự quản về an ninh trật tự ở buôn Ea Yông B

08:01, 05/01/2018

Buôn Ea Yông B, xã Ea Yông (huyện Krông Pắc) hiện có khoảng 100 ha cà phê và xen canh một số loại cây trồng có giá trị. Trước đây, mỗi khi vào mùa thu hoạch, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn rất phức tạp, tình trạng trộm cắp cà phê thường xuyên xảy ra khiến người dân vô cùng lo lắng.

Trước tình hình đó, để bảo vệ tài sản của người dân và bảo đảm an ninh trật tự địa phương, Ban tự quản và Chi bộ buôn đã tổ chức tổ tự quản về an ninh trật tự gồm 15 thành viên, chia làm 5 chốt bảo vệ thường xuyên chốt chặn 24/24 giờ và tuần tra lô rẫy cho người dân.

Một tổ chốt kiểm tra của tổ tự quản về ANTT tại buôn Ea Yông B, xã Ea Yông  (huyện Krông Pắc).
Một tổ chốt kiểm tra của tổ tự quản về ANTT tại buôn Ea Yông B, xã Ea Yông (huyện Krông Pắc).

Các thành viên của tổ tăng cường tuần tra bảo vệ từ ngoài lô rẫy đến khu dân cư và tổ chức chốt chặn, kiểm tra phương tiện ra vào lô rẫy. Bên cạnh đó, được sự đồng thuận của nhân dân, Ban tự quản buôn đã tổ chức phát thẻ ra vào lô rẫy mùa thu hoạch cà phê để dễ quản lý. Cách làm thiết thực này đã nâng cao rõ rệt hiệu quả công tác bảo vệ, khiến các đối tượng trộm cắp không thể hoành hành trong khu vực như trước. Từ đầu mùa thu hoạch cà phê đến nay, tại buôn Ea Yông B không xảy ra vụ mất trộm cà phê nào. Ông Trần Đình Hùng, người dân có rẫy tại buôn Ea Yông B phấn khởi: “Đây là cách bảo vệ rất hiệu quả, kiểm soát được người ra vào rẫy nên rẫy của gia đình tôi và bà con xung quanh không xảy ra vụ mất trộm nào”.

Không chỉ rẫy cà phê, hoạt động hiệu quả của tổ tự quản về an ninh trật tự  buôn Ea Yông B còn góp phần giúp tình hình an ninh trật tự nói chung trên địa bàn ngày càng được bảo đảm, giữ gìn sự bình yên cho nhân dân. 

Duy Hòa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.