Những kết quả tích cực trong thực hiện Luật Bình đẳng giới
Để thực hiện Luật Bình đẳng giới, trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới.
Gồm: Luật Bình đẳng giới, Công ước CEDAW – Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và Nghị quyết 57/NQ-CP ngày 1-12-2009 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động giai đoạn đến năm 2020 thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Hội Phụ nữ xã Hòa Thành (huyện Krông Bông) tuyên truyền Luật Bình đẳng giới cho gia đình hội viên phụ nữ trên địa bàn. Ảnh: V. Anh |
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng, các đơn vị tổ chức triển khai các văn bản liên quan đến chế độ, chính sách cho phụ nữ; phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức và nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là tập trung vào đối tượng thanh niên, học sinh, sinh viên… thông qua nhiều hình thức đa dạng và phong phú.
Cụ thể như: in tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền; xuất bản tài liệu hỏi – đáp bằng tiếng Êđê; thực hiện chuyên đề về Luật Bình đẳng giới trong chuyên mục “Pháp luật và đời sống” phát trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; xây dựng chuyên mục “Giải đáp pháp luật” về bình đẳng giới trên Báo Đắk Lắk; triển khai Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với thông điệp “Chung tay góp sức xây dựng gia đình Việt Nam bền vững”; mở các lớp bồi dưỡng kiến thức bình đẳng giới cho hội viên các câu lạc bộ pháp luật, tuyên truyền viên, già làng, trưởng buôn; tuyên truyền cho các công ty, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động về bình đẳng giới…
Nhờ đó, sự tham gia của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đã tăng lên rõ rệt. Cụ thể là: Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là 1.596/6.161 đại biểu, chiếm 25,9% (giai đoạn 2011-2015 là 1.327/6.192 người, chiếm 21,4%). Trong giai đoạn 2011-2015 đã giải quyết việc làm mới cho 62.880 lao động nữ trong tổng số 130.400 lao động, chiếm 48,2%; tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 chiếm hơn 96%... Toàn tỉnh đã xây dựng được hàng chục xã, phường, thị trấn có Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, hàng trăm nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và các tổ tư vấn về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; triển khai nhiều hoạt động tập trung nâng cao nhận thức về giới, thay đổi hành vi trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ và kế hoạch hóa gia đình…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai Luật Bình đẳng giới vẫn còn gặp không ít khó khăn và vướng mắc. Cụ thể: nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức và nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế, định kiến giới; bản thân một số phụ nữ còn có tư tưởng an phận, không muốn vươn lên trong cuộc sống và sự nghiệp. Chưa bố trí được biên chế chuyên trách cho công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ dẫn đến chất lượng công tác tham mưu và triển khai thực hiện các hoạt động ở cấp huyện còn hạn chế. Việc lồng ghép bình đẳng giới vào các chương trình, dự án, văn bản quy phạm pháp luật rất khó khăn đối với cán bộ cấp cơ sở. Công tác thông tin, tuyên truyền đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn; thiếu đội ngũ tuyên truyền viên, đặc biệt là tuyên truyền trực tiếp ở cơ sở và rào cản lớn nhất là ngôn ngữ; nhận thức về giới của từng địa phương, vùng miền, tập quán của nhiều dân tộc khác nhau…
Để việc triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới trong thời gian tới tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại còn gặp phải, thiết nghĩ các bộ, ngành Trung ương cần có văn bản chỉ đạo thống nhất về xây dựng kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới để các sở, ngành cấp tỉnh lồng ghép trong hoạt động chuyên môn thuận lợi hơn. Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo giảng viên nguồn cấp tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ bình đẳng giới; hỗ trợ các chương trình, dự án lồng ghép giới cho cơ sở, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trên các lĩnh vực; bồi dưỡng kỹ năng phân tích, đánh giá và lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia hoạch định chính sách và xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội…
Mạnh Tú - Bích Luy
Ý kiến bạn đọc