Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea H'leo quyết liệt xóa bỏ lò than "thổ phỉ"

08:21, 04/04/2018

Một trong những giải pháp nhằm lập lại trật tự an ninh rừng ở huyện Ea H’leo thời gian qua là xóa bỏ các lò đốt than hoạt động trái phép.

Huyện Ea H’leo hiện có hơn 72.635 ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng gần 49.450 ha, do 24 đơn vị chủ rừng quản lý. Lợi dụng địa bàn rộng, địa hình phức tạp và lực lượng quản lý bảo vệ rừng mỏng, nhiều hộ dân đã lập lò than củi “thổ phỉ” hoạt động trái phép. Các lò than này được hình thành ở khu dân cư ven rừng, rẫy, quy mô rộng 2 - 4 mét, sâu 3 mét, mỗi lần đốt sử dụng khoảng 500 kg gỗ củi. Sau khi đốt trong thời gian từ 10 - 14 ngày, mỗi lò thu được 1 - 2 tấn than. Theo quy định đầu tư xây dựng lò đốt than, chủ lò phải được giấy phép xây dựng, có đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, có vùng nguyên liệu, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương... Tuy nhiên, hầu hết các chủ cơ sở đều không tuân thủ quy định; mặt khác, do than củi được bán tại chỗ với giá khá cao (5.000 đồng/kg), nên các lò than liên tục mọc lên. Điều đáng nói là các lò than này sử dụng nguyên liệu chỉ một phần là củi cà phê, điều, còn lại là gỗ rừng.

Lực lượng chức năng huyện Ea H’leo phá bỏ lò than trái phép trên địa bàn.
Lực lượng chức năng huyện Ea H’leo phá bỏ lò than trái phép trên địa bàn.

Theo Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Ea H’leo Trương Văn Hồng, hoạt động của các lò than không chỉ “tiếp tay” cho khai thác lâm sản trái phép, mà còn gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rừng. Nhằm hạn chế tình trạng này, huyện Ea H’leo đã thực hiện các giải pháp chấn chỉnh, xóa bỏ các lò than hoạt động trái phép. Trong năm 2017, huyện đã triển khai các đợt cao điểm xử lý lò than củi, trong đó có sự tham gia của lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và UBND các xã. Theo đó, cơ quan chức năng đã kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền các cơ sở hoạt động chưa đúng quy định, tự động phá bỏ lò than nếu không sẽ tiến hành cưỡng chế. Kết quả, UBND huyện Ea H’leo đã phạt tiền gần 100 triệu đồng và ra quyết định đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh than củi đối với 10 cơ sở do không tuân thủ quy định của pháp luật về cấp phép xây dựng, chứng nhận kinh doanh, hồ sơ bảo vệ môi trường… Đối với các lò than “thổ phỉ” trong rừng, lực lượng liên ngành đã truy quét và tổ chức phá bỏ hàng trăm lò, đặc biệt là tại một số “điểm nóng”.

Tuy đã có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, nhưng việc xóa bỏ triệt để lò than “thổ phỉ” tại Ea H’leo vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như tại lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả quản lý có 14.400 ha rừng và đất rừng là một trong những địa bàn tình trạng đốt than trái phép diễn ra phức tạp. Nhiều năm qua, hàng trăm lò đốt than mọc lên tự phát, hoạt động trái phép trên lâm phần của công ty và khu vực dân cư gần bìa rừng, nhất là tại các tiểu khu 1, 3 và 6. Công ty đã phối hợp với các chủ rừng giáp ranh, lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương để truy quét, phá bỏ các lò than “thổ phỉ”. Trong năm 2017, đơn vị đã tiến hành 6 đợt ra quân xử lý tình trạng này, triệt phá 244 lò than. Từ đầu năm 2018 đến nay, tiến hành 2 đợt, phá hủy 26 lò tại 3 tiểu khu thuộc lâm phần của đơn vị. Anh Nguyễn Văn Cộng, cán bộ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả cho biết, các lò đốt than củi gây áp lực rất lớn đối với rừng, nhưng do địa bàn rộng, lực lượng mỏng nên chưa thể xử lý triệt để tình trạng này; sau khi phá hủy một thời gian ngắn, người dân lại âm thầm dựng lại lò. Bên cạnh đó, khi có mặt cơ quan chức năng thì chủ lò bỏ trốn; chưa kể, lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng thường xuyên bị đe dọa, uy hiếp tinh thần…

Thời gian tới, huyện Ea H’leo chỉ đạo lực lượng chức năng, chủ rừng và chính quyền các xã  tiếp tục kiểm tra, xử lý các địa điểm sản xuất, kinh doanh than củi trái phép đồng thời thực hiện công tác tuyên truyền cho người dân về công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng.

Minh Thông – Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.