Multimedia Đọc Báo in

Cảnh giác với chiêu trò núp bóng "hội thảo" để lừa đảo

09:37, 17/04/2019
Đến thời điểm này, người dân huyện Cư M’gar vẫn chưa hết xôn xao về vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn xã Quảng Hiệp đầu tháng 3 vừa qua. 
 
Chiêu trò được nhóm đối tượng lừa đảo tự xưng là người của Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và phát triển khoa học công nghệ Thiên Ân (trong Giấy giới thiệu ghi có trụ sở tại quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) bày ra là nhờ Ban tự quản thôn gửi thư mời đến người dân thôn Hiệp Bình để tham dự chương trình “dự án xanh” giảm khí thải, bảo vệ môi trường. Trên giấy mời này ghi rõ: “Quý khách đến tham dự chương trình có cơ hội nhận được một phần quà trị giá 500.000 đồng. Chương trình ưu tiên cho 30 người đến đầu tiên nhận được 1 lít dầu ăn từ Ban tổ chức. Người đến sau nhận 1 phần quà”. Địa điểm tổ chức "hội thảo" được mượn nhờ tại nhà một người dân trong thôn.
 
Phương tiện và tang vật cơ quan Công an tạm giữ trong vụ việc tổ chức "hội thảo" tại thôn  Hiệp Bình, xã Quảng Hiệp, huyện Cư Mgar.
Phương tiện và tang vật cơ quan Công an tạm giữ trong vụ việc tổ chức "hội thảo" tại thôn Hiệp Bình, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar.
Đầu tiên, nhóm đối tượng này có 5 người gồm 4 nam và 1 nữ đi trên chiếc xe ô tô BKS 34D-012.04 đến thôn Hiệp Bình để tổ chức "hội thảo". Mỗi người dân đến tham gia "hội thảo" thì được nhóm người trên tặng 1 lít dầu ăn. Sau đó, một người trong nhóm người tự xưng là nhân viên của Công ty trên giới thiệu để chào bán 3 sản phẩm gồm: 1 bếp điện từ, 1 chảo điện, 1 đèn pin với tổng số tiền là 2,7 triệu đồng. Đồng thời, người này hứa hẹn nếu khách hàng nào mua sản phẩm sẽ được tặng quà trong "giờ vàng" là chiếc phong bì tương đương với số tiền 2,7 triệu đồng.
 
Theo Công an huyện Cư M’gar, những sản phẩm mà nhóm người tự xưng là nhân viên Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và phát triển khoa học công nghệ Thiên Ân bán cho người dân ở hai thôn Hiệp Bình và Hiệp Nhất (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) là hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trong giấy giới thiệu, Công ty này ghi có trụ sở tại số 124 Vĩnh Tuy, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội, nhưng cơ quan Công an không liên lạc được với địa chỉ này. Sự việc hiện đang được cơ quan Công an tiếp tục điều tra làm rõ.
 
 

Tại thời điểm đó, đã có 13 người dân đăng ký mua hàng và nộp vào mỗi người 2,7 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, nhóm người giả vờ viện cớ ra xe để lấy hàng giao cho khách và nhanh chóng lên xe tẩu thoát. (Sau đó người dân gọi điện báo và công an truy bắt được). Cũng với thủ đoạn trên, một nhóm gồm 4 đối tượng (2 nam, 2 nữ) khác cũng đến thôn Hiệp Nhất (xã Quảng Hiệp) để tổ chức "hội thảo". Tại đây, nhóm người trên đã nhận tiền của các hộ dân đăng ký mua hàng và lên xe ô tô màu đen, hiệu Mitsubishi bỏ chạy. 

Theo ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Quảng Hiệp, doanh nghiệp (DN) về địa phương đề cập đến việc tổ chức hội thảo không còn là chuyện lạ. Lâu nay, nhiều DN đến làm việc về vấn đền này và xã chỉ đồng ý cho tổ chức khi có văn bản của UBND huyện, đồng thời yêu cầu DN không được bán hàng đi kèm. Tuy nhiên, sự việc xảy ra hồi tháng 3 vừa qua là do nhóm người này không thông qua xã và trắng trợn hơn là họ bán hàng rồi ôm tiền bỏ chạy khiến nhiều người dân bị mắc bẫy. Ông Đức cho biết thêm, rút kinh nghiệm từ vụ việc này, xã quán triệt đến ban tự quản các thôn trên địa bàn tuyệt đối không cho bất cứ đơn vị nào về thôn, xóm tổ chức hội thảo nếu không có sự đồng ý, giấy giới thiệu của chính quyền xã.
 
Trên thực tế, chiêu trò đến tổ chức hội thảo rồi bán hàng khuyến mãi với “giá trên trời” đã không còn xa lạ với người dân ở các vùng nông thôn của tỉnh. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, cả tin của người dân ở các vùng quê, không ít công ty đã bán hàng với giá trên trời nhằm thu lợi nhuận bất chính. Do đó người dân cần hết sức cảnh giác với các thủ đoạn tương tự nhằm tránh "tiền mất tật mang".
 
Đỗ Lan
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.