Multimedia Đọc Báo in

Phòng, chống ma túy gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện

08:47, 16/07/2020

Trong 3 năm (2017 - 2020), công tác phòng, chống ma túy và quản lý, điều trị cho người nghiện ma túy gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người cai nghiện, người sau cai nghiện ma túy được tỉnh quan tâm thực hiện đã góp phần giảm thiểu tình trạng tái nghiện, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn.

Tội phạm về ma túy diễn biến phức tạp

Vào khoảng 3 giờ ngày 3-5-2020, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an TP Buôn Ma Thuột) kiểm tra đột xuất quán karaoke Rio (số 156, Nguyễn Thị Minh Khai, phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) phát hiện, bắt quả tang 43 thanh niên nam, nữ đang có biểu hiện sử dụng trái phép chất ma túy. Qua test nhanh có 34/43 trường hợp dương tính với ma tuý…

Đây chỉ là một trong nhiều vụ sử dụng ma túy tập thể tại các quán karaoke, nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn tỉnh đã bị lực lượng công an phát hiện trong 3 năm qua. Theo ông Hoàng Công Vỹ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ - TB&XH), tình hình tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về an ninh trật tự, an toàn xã hội với sự gia tăng các đường dây tội phạm buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ma túy có tổ chức; phát sinh, phát triển các điểm, tụ điểm, ổ nhóm, sử dụng ma túy tại cơ sở kinh doanh có điều kiện như: quán bar, vũ trường, nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke... Tội phạm ma túy tập trung chủ yếu ở các địa bàn trọng điểm như: TP. Buôn Ma Thuột, các huyện: Krông Pắc, Ea Kar, Krông Năng và Ea H'leo. Đối tượng phạm tội ma túy chủ yếu trong độ tuổi 18 đến 30 tuổi.

Theo thống kê của Sở LĐ - TB&XH, toàn tỉnh hiện có 1.863 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 42 trường hợp so với cuối năm 2019), độ tuổi ngày càng trẻ, chuyển dần từ sử dụng heroin sang các loại ma túy tổng hợp. Tác hại của việc sử dụng ma túy tổng hợp có thể khiến người nghiện mất dần nhận thức, sẵn sàng hủy hoại mọi thứ, thậm chí gây ra những vụ cướp của, giết cả người thân chỉ để có tiền thỏa mãn nhu cầu sử dụng ma túy.

Cai nghiện ma túy - vẫn còn nhiều khó khăn

Giải pháp đầu tiên được các cơ quan chức năng của tỉnh tập trung thực hiện trong giai đoạn 2017- 2020 để phòng, chống ma túy hiệu quả là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tệ nạn xã hội trong cộng đồng dân cư, các địa bàn trọng điểm về tệ nạn ma túy, đặc biệt trong các nhóm có nguy cơ cao về sử dụng ma túy. Theo đó, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh đã treo trên 900 băng rôn, biểu ngữ tuyên truyền về phòng, chống ma túy tại các điểm đường, trường học, khu vực công cộng, các xã, phường trọng điểm về tệ nạn xã hội; phối hợp với cơ quan truyền thông tuyên truyền kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Trung ương và địa phương về điều trị cai nghiện; phối hợp với các đơn  vị, đoàn thể đoàn tổ chức nhiều buổi nói chuyện, thi tìm hiểu chính sách pháp luật về ma túy, những hiểm họa, tác hại khôn lường của việc sử dụng chất gây nghiện…

Học viên cai nghiện ma túy học nghề đan ghế nhựa tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh.
Học viên cai nghiện ma túy học nghề đan ghế nhựa tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh.

Cùng với đó là tổ chức điều trị, cai nghiện gắn với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người cai nghiện, người sau cai nghiện ma túy. Từ 2017 đến nay đã có 4.139 lượt người nghiện ma túy được tiếp cận với các dịch vụ chữa trị, cai nghiện phục hồi tái hòa nhập cộng đồng, gồm: 1.689 lượt người nghiện được chữa trị, cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở, 1.148 lượt người nghiện cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa án, 1.142 lượt người nghiện được điều trị bằng thuốc thay thế Methadone, 160 người cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng. Toàn tỉnh có 1.053 lượt người được chữa trị, cai nghiện được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi. Trong đó đào tạo nghề, cấp chứng chỉ nghề may công nghiệp và dân dụng, trồng trọt, chăm sóc cà phê cho hơn 400 người; lao động trị liệu (gia công đồ nhựa, tăng gia sản xuất rau sạch, chăm sóc cà phê…) tạo thu nhập thường xuyên cho trên 950 người và 9 người hoàn thành cai nghiện, hòa nhập cộng đồng được vay 270 triệu đồng theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Mặc dù đã có những kết quả bước đầu nhưng công tác cai nghiện vẫn còn những hạn chế, như: việc cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, hạn chế về nguồn lực, nhất là thiếu sự liên hệ, kết nối giữa nhu cầu của người cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với chính quyền, đoàn thể cấp cơ sở. Các chương trình hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, gắn chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho người sử dụng, người sau cai nghiện ma túy chưa đáp ứng nhu cầu thực tế...

Chính vì vậy, trong giai đoạn 2021 - 2025, Chi cục Phòng, chống tệ nạn và xã hội tỉnh tham mưu cho Sở LĐ - TB&XH đề nghị các bộ, ngành hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan, trong đó có Luật phòng, chống ma túy bảo đảm tính thống nhất đồng bộ, tránh chồng chéo với Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định pháp luật gắn với nguồn lực thực thi. Đề nghị bố trí kinh phí kịp thời để triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có giải pháp mở rộng triển khai cai nguyện tự nguyện tại cộng đồng, điều trị thay thế bằng Methadone... Đối với tỉnh, đề nghị bố trí kinh phí đảm bảo cho công tác cai nghiện, tăng cường nhân lực, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện, tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự của cơ sở cai nghiện, cơ sở xã hội.

Minh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.