Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông nỗ lực duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục

13:43, 27/10/2012

Năm 2008, huyện Krông Bông đã được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục THCS và năm 2011 được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa thực sự bền vững do tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học ở một số trường vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến việc giữ vững thành quả phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Để duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, các cấp, các ngành của huyện cùng với các địa phương và các trường thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, hạn chế tối đa tình trạng học sinh lưu ban, bỏ học.

Phụ đạo học sinh yếu của Trường THCS Cư Pui tại nhà văn hóa cộng đồng.
Phụ đạo học sinh yếu của Trường THCS Cư Pui tại nhà văn hóa cộng đồng.

Kết  thúc năm học 2011-2012, tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học khá cao ở một số xã trên địa bàn huyện như: Hòa Phong, Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao… Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do học sinh người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, vốn tiếng Việt còn nhiều hạn chế (nhất là học sinh lớp 1, lớp 2 ở các thôn đồng bào Mông); nhiều học sinh THCS phải đi học xa hàng chục cây số; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu thốn, tạm bợ, chưa đáp ứng được nhu cầu; đời sống của nhân dân khó khăn, công tác xã hội hóa giáo dục chưa phát triển...

Năm học 2012-2013, toàn huyện có 15 trường THCS và 24 trường tiểu học với 620 lớp, 16.177 học sinh (học sinh dân tộc thiểu số là 7.395 em chiếm 45,7%). Ngay từ đầu năm học, các trường THCS và tiểu học ở vùng sâu đã phân loại học sinh và tăng cường phụ đạo học sinh yếu. Khắc phục tình trạng thiếu kinh phí, thiếu cơ sở vật chất, các trường đã vận động đội ngũ giáo viên tự nguyện phụ đạo, tận dụng nhà văn hóa cộng đồng các thôn, buôn để mở lớp; phối hợp với các tổ chức, đoàn thể và gia đình vận động những em bỏ học ra lớp, mở các lớp phổ cập tiểu học và THCS. Trong năm học này, các xã Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao đưa vào sử dụng 18 phòng học kiên cố, tu sửa 19 phòng học tạm, đóng mới 200 bộ bàn ghế giáo viên và học sinh; xây dựng các phòng chức năng ở một số trường THCS...

Ngay từ đầu năm học, Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Krông Bông cũng đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc duy trì sĩ số, phụ đạo học sinh yếu ở các trường; tổ chức các chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học; tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; đẩy mạnh công tác sinh hoạt Cụm chuyên môn; phối hợp với các địa phương mở hội nghị chuyên môn cấp xã… để nâng cao chất lượng giáo dục, hạn chế tình trạng học sinh lưu ban, bỏ học, huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục.

Trong thời gian tới, ngành Giáo dục huyện và các địa phương tiếp tục tham mưu cho cấp trên và huy động các nguồn vốn ở địa phương đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để nâng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày nhằm thực hiện có hiệu quả việc tăng cường tiếng Việt từ 350 tiết lên 500 tiết đối với học sinh dân tộc thiểu số ở bậc tiểu học và phụ đạo học sinh yếu; đưa vào sử dụng 4 phòng học kiên cố ở điểm trường Noh Prông (xã Hòa Phong) để mở phân hiệu trường THCS Hòa Phong, tạo điều kiện cho các em đi học thuận lợi, giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học; tiếp tục huy động nguồn kinh phí để mở rộng mô hình bán trú dân nuôi ở xã Cư Pui; tham mưu với cấp trên phê duyệt đề án xây dựng mô hình bán trú dân nuôi ở trường THCS Cư Drăm; đặc biệt các trường THCS Cư Pui, THCS Cư Drăm đã phối hợp với gia đình quản lý chặt chẽ và hướng dẫn việc tự học ở các khu nội trú tự phát của học sinh xung quanh trường, giúp cho các em có được phương pháp, kỹ năng tự học…

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc