Vui buồn mùa thi...
Mùa thi đại học, cao đẳng 2013 đã khép lại. Sĩ tử tạm xếp bút nghiên hồi hộp đợi kết quả. Nhìn lại hành trình vượt vũ môn năm nay, cũng có biết bao câu chuyện, kỷ niệm vui buồn…
Xỉu vì “tiếp sức” nhiệt tình
Vừa lúc kết thúc những môn thi cuối cùng đợt 2 kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2013, chiến sĩ tình nguyện Dương Lê Hồng Thủy, sinh viên Khoa Giáo dục tiểu học J’rai K12 – Trường Đại học Tây Nguyên bị… “xỉu”. Các bạn của Thủy cho biết, Thủy có tiền sử thường hay bị tụt canxi nhưng vì quá tha thiết muốn tham gia chương trình "Tiếp sức mùa thi" nên các anh chị trong ban chỉ huy đành phải đồng ý. Thủy được sắp xếp vào đội hình hậu cần. Nhưng cũng do phải thường xuyên thức khuya dậy sớm để phụ giúp việc nấu các suất cơm miễn phí nên dù hết sức cố gắng, Thủy vẫn… xỉu. Trong chương trình "Tiếp sức mùa thi" này, Thủy đã hai lần bị xỉu, chỉ có điều, sau khi được các bạn trong đội hình y tế chăm sóc, nghỉ ngơi tỉnh táo, Thủy vẫn quyết không bỏ cuộc và tiếp tục hăng hái cùng các chiến sĩ tình nguyện hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Chiến sĩ tình nguyện Dương Lê Hồng Thủy đang được các bạn chăm sóc. |
Nữ thí sinh một ngày xỉu 10 lần
“Các anh chị ơi, bạn Tuyết lại “xỉu” rồi!”, căn phòng số 603 ký túc xá Trường Đại học Tây Nguyên những ngày thi đại học vừa rồi không còn ngạc nhiên và bất ngờ với những tiếng gọi í ới như thế. Nhân vật chính trong câu chuyện “xỉu” này là thí sinh Trần Thị Thanh Tuyết, đến từ huyện Dak Song, tỉnh Dak Nông, thi hai khối A và B vào Đại học Tây Nguyên. Trước đó vì nghĩ sức khỏe của mình không có vấn đề gì, hơn nữa từ Dak Nông đi Buôn Ma Thuột cũng không quá xa, lại đã từng ôn thi, thông thạo đường sá ở đây nên gia đình đồng ý để một mình Tuyết “khăn gói quả mướp” đi thi. Nào ngờ ngay khi bước vào thi đợt 1, Tuyết đã liên tục bị xỉu. “Kỷ lục” nhất là ngày 5-7 em xỉu đến 10 lần. Bố mẹ lật đật bỏ việc nương rẫy chạy lên Buôn Ma Thuột và cùng các bạn sinh viên tình nguyện đưa Tuyết vào khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhưng kết quả CT, chụp chiếu, không phát hiện gì bất thường. Em ra viện và tiếp tục “vào trận” với đợt 2 của kỳ thi. Có điều, để sẵn sàng hỗ trợ cho Tuyết, đội hình y tế (chủ yếu là sinh viên khoa Y năm cuối, có học lực khá) của chương trình “Tiếp sức mùa thi” Trường Đại học Tây Nguyên đã cắt cử các chiến sĩ túc trực, theo dõi sức khỏe của Tuyết 24/24 giờ. Thậm chí ngay cả khi Tuyết vào phòng thi, đội hình tình nguyện cũng phải báo cáo với Hội đồng tuyển sinh và để lại số điện thoại của thành viên đội y tế để sẵn sàng xử lý nếu Tuyết lại… “xỉu”. Có những chiến sĩ sau nhiều đêm thức trắng để chăm lo cho thí sinh này đã phát ốm.
Dù mệt nhưng mọi người tự động viên, an ủi và đùa vui nhau rằng: Cô nàng “xỉu” này chắc là muốn thử tài, tập dượt các bác sĩ trẻ tương lai!
Ước gì có chiếc máy quay phim
Gặp cánh phóng viên chúng tôi khi đi làm chương trình “Tiếp sức mùa thi”, cô Dương Thị Thu Hường, nhà ở Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đưa con đi thi vào Trường Đại học Tây Nguyên cứ xuýt xoa mãi: “Giá như tôi có chiếc máy quay phim”. Nhiều người cứ thắc mắc tại sao cô lại thiết tha ước ao chiếc máy quay phim đến vậy, trong khi người ta đưa con đi thi thì cầu mong con thi đỗ.
Chuyện là từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, đây là lần đầu tiên cô “ra khỏi lũy tre làng”. Huyện Lâm Hà và Buôn Ma Thuột chẳng xa nhau là mấy nhưng chưa bao giờ cô đặt chân đến thành phố cao nguyên này. Ngày 6-7, để “chắc ăn” cả hai vợ chồng cô cùng đưa con gái đi thi. Theo lời giới thiệu của một người quen, cả nhà rồng rắn đưa nhau đến một nhà trọ ở khu vực ngã ba Hòa Bình, cô chỉ nhớ mang máng cái tên như vậy còn địa chỉ cụ thể thì không rõ. Nhưng đến 6 giờ chiều tìm được nhà trọ này thì ông chủ lại không cho ở vì lý do thời gian ở quá ngắn. Trời thì chuẩn bị tối, lại sắp mưa, thương con gái đang mệt lại say xe, hơn nữa nếu không được ở đây rồi cũng chẳng biết ở đâu, hai vợ chồng cô năn nỉ, thậm chí nước mắt ngắn dài xin được thuê ở dù có phải đóng tiền ngay. Chủ nhà vẫn kiên quyết đến lạnh lùng là không cho ở. Cũng may lúc ấy có người lái tắc-xi giới thiệu ở trên Ngã Sáu có chỗ nào đó người ta cho ở miễn phí. “Thú thực, hai vợ chồng tôi như chết đuối vớ được cọc, chúng tôi cầu mong chú lái xe ấy giúp đỡ và đưa đến địa chỉ này”, cô Hương nói. Suốt những ngày cả nhà vào trọ thi tại Nhà thờ chính tòa, sáng nào cầu nguyện cô cũng khóc, khóc vì mình may mắn vẫn gặp được người tốt và con gái có chỗ ăn nghỉ an toàn, đàng hoàng, sạch sẽ, lại còn ở không mất tiền, đi thi lại có cả xe ô tô đưa đón. Tất cả những điều này, cô chưa bao giờ tưởng tượng được.
Giờ thì đã hiểu tại sao cô lại ước mơ có chiếc máy quay phim đến thế. Cô muốn quay để làm kỷ niệm lần đầu tiên đưa con đi thi, lần đầu tiên “ra khỏi lũy tre làng”…
Dẫn con đi thi, mang theo cả cháu ngoại
Tại điểm trọ miễn phí quán cà phê Forget-me-not trên đường Lê Hồng Phong, người ta thường thấy có một bé gái chừng 2 tuổi quẩn quanh chơi bên các anh chị thí sinh đang chăm chú ôn bài. Vào giờ ăn, một phụ nữ trung niên thường xới cơm đút cho bé ăn trước. Nhìn cảnh ấy, ai cũng ngỡ đấy là người nhà chủ điểm trọ, hỏi ra mới biết bé gái ấy là cháu ngoại của chị Ngô Thị Xuân Thơm (Ninh Thuận) theo bà và dì đi thi! Chị Thơm cho biết, cháu bé là con của cô con gái đầu, ở với bà ngoại từ nhỏ, không chịu theo ai. Vì thế, khi chị đưa cô con gái út Hồ Thị Thanh Hào lên Dak Lak đi thi đại học, chẳng gửi cháu được cho ai nên đành dẫn cháu theo luôn. Ba mẹ con bà cháu đùm túm đến bến xe Buôn Ma Thuột vào tối 30-6, đang lạ lẫm chưa biết về đâu thì được sinh viên tình nguyện dẫn về điểm trọ miễn phí là quán cà phê Forget-me-not, gần điểm thi đợt 1 của con gái. Chị Thơm bộc bạch: “Tôi chưa lên Dak Lak bao giờ, cũng là lần đầu tiên đưa con đi thi, lại dẫn theo cả cháu ngoại còn nhỏ nên lo lắng ghê lắm. May được các cháu sinh viên tình nguyện hỗ trợ, giới thiệu cho điểm trọ miễn phí này”.
Mọi người ở cùng điểm trọ cứ nhìn cảnh ba mẹ con, bà cháu chị Thơm lại tủm tỉm: chẳng biết cô bé 2 tuổi ấy sau này có nhớ về lần đầu tiên cùng đi thi đại học với dì?
Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc