Multimedia Đọc Báo in

Trở thành thủ khoa đại học nhờ gánh đậu hũ của mẹ

16:10, 08/08/2014

Cha mất, một mình mẹ tảo tần nuôi 3 anh em ăn học, đó là động lực lớn nhất để Phạm Thị Ngọc Biển, học sinh Trường THPT Lak nỗ lực học tập và trở thành thủ khoa Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM với điểm số 26 trong kỳ thi tuyển sinh 2014.

“Con sẽ là niềm hy vọng của mẹ...”

Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tới nhà của cô thủ khoa này là hình ảnh căn nhà tôn cũ nát, xiêu vẹo, bên trong hầu như không có vật dụng gì đáng giá. Càng ái ngại cho hoàn cảnh khó khăn của gia đình bao nhiêu thì chúng tôi càng thấy khâm phục mọi người trong gia đình này bấy nhiêu. Cô Nguyễn Thị Bê (44 tuổi, mẹ của Biển) kể: “Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên cô không thể lo ăn học trọn vẹn cho các em như người ta được. Trước kia, khi ba tụi nó chưa mất thì với xe đậu hũ của cô cộng với nghề chài lưới đánh cá của cha còn không đủ lo cho cuộc sống ba anh em nó, huống hồ …”. Nói tới đây, người mẹ nghèo vội vàng lấy tay quệt vội dòng nước mắt đang lăn trên gò má hốc hác. Năm 2012, ba Biển mất, gánh nặng gia đình oằn lên vai mẹ. Thu nhập mỗi ngày khoảng 70.000 đồng từ gánh đậu hũ nên nhiều khi mưa gió bán ế, bốn mẹ con chỉ còn cách ăn đậu hũ thay cơm. Điều an ủi và động lực lớn nhất của cô Bê là các con học chăm, ngoan ngoãn. Người con trai Phạm Thế Nghị hiện đang là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Quy Nhơn. Ngoài giờ học, Nghị cũng làm thêm công việc chạy bàn ở quán cà phê để có tiền trang trải cuộc sống và gửi về phụ mẹ nuôi 2 em ăn học. Con gái út Ngọc Được cũng học rất giỏi và giúp đỡ nhiều việc nhà cho mẹ. Đặc biệt, con gái Ngọc Biển hay thủ thỉ động viên: “Mẹ cố lên, mẹ là chỗ dựa cho 3 tụi con, con sẽ học tốt, con sẽ là niềm hy vọng của mẹ, mẹ cứ yên tâm, sau này không để mẹ phải khổ”.

Thủ khoa Phạm Thị Ngọc Biển.
Thủ khoa Phạm Thị Ngọc Biển.

Quà tặng ý nghĩa Biển tặng mẹ là thành tích đỗ thủ khoa gây xôn xao cả huyện Lak. Hằng ngày ngoài giờ học, Biển gần như lo hết mọi công việc lặt vặt trong gia đình và dạy kèm cho em gái đang học lớp 7. Không chỉ vậy, từ năm lớp 10, cô thủ khoa có biệt danh là “Muối” đã phải đi làm phục vụ cho quán cà phê gần nhà, mỗi tháng cũng có được một khoản tiền để phụ giúp mẹ. Cô Kim Chi (chủ quán cà phê) chia sẻ: “Con bé vừa ngoan vừa giỏi, tháo vát, việc gì cũng biết. Nhà bà Bê thật có phước khi 3 đứa nhỏ ngoan và hiếu học”.

Ước mơ trở thành nhà báo giỏi

Không phải là một học sinh quá xuất sắc trong suốt 12 năm học, nhưng điều khiến Biển có thể đạt kết quả cao chính là việc tự xác định đúng hướng đi cho mình. Biết mình hợp với các môn xã hội, nên ngay từ khi học THCS, Biển đã đầu tư cho những môn này, nhất là Ngữ văn. Thành tích nổi bật của cô học trò nhỏ này là đoạt giải Ba môn Văn cấp tỉnh năm lớp 11 và 12. Ngọc Biển nuôi ước mơ trở thành một nhà báo, em cố gắng học tập mỗi ngày để theo đuổi ước mơ ấy với hy vọng sau này giúp mẹ đỡ vất vả. Lúc đầu Biển định tự ôn thi đại học ở nhà vì không có điều kiện học thêm. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, các thầy cô giáo trong Trường THPT Lak đều động viên và giúp Biển ôn tập mà không lấy tiền học phí. Lần đi thi đại học vừa qua, chỉ với mấy trăm nghìn đồng mẹ cho cộng với 525.000 đồng tiền hỗ trợ gia đình nghèo khó, cô học trò nhỏ nhắn này đã mang đến niềm hạnh phúc lớn lao, bất ngờ cho gia đình và người thân. Chia sẻ với chúng tôi, cô Bê tâm sự: “Thấy con ham học, đạt được kết quả cao như vậy cô rất mừng, nhưng cũng lo lắm. Chẳng biết rồi kiếm đâu ra tiền để lo cho em nó, lại thêm anh trai chuẩn bị thực tập và tốt nghiệp đại học nữa… Nhưng dù thế nào đi nữa cô cũng sẽ cố gắng vay mượn để lo cho con cái ăn học nên người”. Giảng đường đại học đang rộng cửa chào đón tân sinh viên Phạm Thị Ngọc Biển. Em sẽ bước vào một cuộc hành trình mới, hành trình để biến ước mơ thành nhà báo của mình dần trở thành hiện thực.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.