Multimedia Đọc Báo in

"Gieo chữ" nơi bản Mông nghèo

18:12, 15/09/2014

Khi tiếng trống khai trường vang lên báo hiệu năm học mới bắt đầu thì cũng là lúc thầy cô giáo ở điểm trường thôn 9, Trường tiểu học Lê Quý Đôn (xã Cư Króa, huyện M’Drak) tiếp tục hành trình “gieo trồng con chữ” đầy gian nan thử thách nơi bản Mông xa xôi heo hút…

Trường tiểu học Lê Quý Đôn hiện có một trường chính và ba điểm trường đóng tại các thôn 7, thôn 8, thôn 9 (xã Cư Króa) để tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của học sinh vùng sâu vùng xa. Các điểm trường đều ở cách xa trường chính hàng chục cây số, đường đi vô cùng khó khăn, đặc biệt là ở điểm trường thôn 9. Để vào được thôn 9, từ trường chính phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ để vượt hơn 35 km đường đèo dốc, vòng qua ba xã (Cư Króa – Ea Riêng – Ea M’Đoan) mới đến nơi.  Đây là con đường độc đạo để đến với thôn 9 (hay còn gọi là bản Mông) với đầy những ổ voi, ổ gà, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu, nguy nan luôn chực chờ trước mặt…

Điểm trường thôn 9 được thành lập từ năm 2003. Ban đầu, để có cho thầy dạy, trò học, thầy cô và người dân trong thôn đã cùng nhau chặt tre, nứa, tận dụng những mảnh ván bìa dựng tạm được hai phòng học. Thầy Hồ Văn Thức, người đã gắn bó với điểm trường này được 8 năm nhớ lại: Những năm đầu tới đây mọi thứ rất hoang sơ, lớp học tạm bợ được giáo viên và người dân trong bản dựng lên từ tranh, tre, nứa lá để có chỗ kê bàn ghế cho các em ngồi học và chỗ nghỉ ngơi cho giáo viên. Có nhiều đêm trời đổ mưa to, nước ngập lên tới chân giường, không sao ngủ được... Để tạo điều kiện cho giáo viên yên tâm đứng lớp, mới đây, điểm trường thôn 9 đã được đầu tư xây dựng được 4 phòng học và 2 phòng ở cho giáo viên. Điện chiếu sáng, giếng nước phục vụ sinh hoạt cho các thầy cô cũng đã được Nhà nước đầu tư xây dựng… Tuy nhiên, vẫn khó có thể kể hết những thiếu thốn, vất vả của các thầy, các cô ở nơi bản Mông nghèo khó này…

Vì điều kiện giao thông cách trở nên chỉ đến cuối tuần các thầy cô mới ra ngoài thị trấn mua ít gạo và thức ăn mang vào dùng cho cả tuần. Gặp những hôm trời mưa to, lại hết gạo, các thầy cô phải ăn mì tôm trừ bữa. Không những khổ vì giao thông cách trở, mà khí hậu ở đây cũng vô cùng khắc nghiệt.  Ban ngày thì trời nắng như đổ lửa, khi chiều xuống thì lạnh tới thấu xương. Mặc dù nhà trường đã đầu tư đào 3 cái giếng nhưng chưa đến mùa khô là đã… hết nước. Các thầy phải đi gánh nước ở suối và tận dụng nguồn nước mưa để nấu ăn. Còn việc tắm giặt thì phải ra tận suối.

Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng lòng nhiệt huyết, yêu nghề và tinh thần trách nhiệm của các thầy cô với những học trò nơi bản Mông nghèo khó này vẫn không hề vơi. Hiện tại ở điểm trường thôn 9 có cả thảy 7 giáo viên, hầu hết các thầy cô đều là những người trẻ tuổi, xa nhà về đây nhận công tác. Cô Nguyễn Thị Mầu nhà ở huyện Dak Mil (tỉnh Dak Nông) công tác ở đây được 2 năm tâm sự: “Ban đầu mới tới đây mọi thứ rất bỡ ngỡ và lạ lẫm. Em cảm thấy buồn và tủi thân lắm, nhớ nhà, nhớ phố phường lắm. Cũng có đôi lúc bất chợt em muốn bỏ việc để về với gia đình. Nhưng rồi mỗi sớm mai thức dậy, nhìn những em học sinh không có đủ quần áo, giày dép vẫn đội nắng mưa đến lớp, em thấy thương quá! Giờ này thì em đã thực sự yêu bản Mông nghèo này với những cô cậu học trò đầu trần chân đất, ngày ngày cắp sách đến trường ấp ủ những ước mơ…”. Cũng như cô Mầu, thầy Thức, những thầy cô giáo khác ở đây cũng đã vượt qua khó khăn vất vả để tiếp tục đến lớp cùng các em học sinh thân yêu, vẫn quyết tâm bám trụ để duy trì lớp học, giúp đỡ các em tới lớp đều đặn hơn, cải tạo điểm trường thôn 9 ngày càng khang trang hơn.

Cô giáo Nguyễn Thị Mầu và  học sinh lớp 1 trong buổi  tập viết.
Cô giáo Nguyễn Thị Mầu và học sinh lớp 1 trong buổi tập viết.

Thầy Lê Ngọc Khu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn cho biết: Thôn 9 có 173 hộ với 962 khẩu, đa số là người dân tộc Mông di cư vào đây sinh sống. Sự bất đồng ngôn ngữ và trình độ dân trí còn thấp là những khó khăn bước đầu cho thầy cô giáo khi vận động. Để khắc phục những khó khăn đó, các thầy cô đã chủ động phối hợp với cán bộ thôn và Hội cha mẹ học sinh cùng tới từng hộ gia đình để vận động. Ngoài ra nhà trường còn có những chính sách hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn nhưng chịu khó vươn lên học tập để khuyến khích các em đi học chuyên cần. Như hiểu được tấm lòng của thầy cô giáo, và mong muốn học giỏi để có cuộc sống tốt đẹp hơn nên những học sinh ở đây đều chăm ngoan và đi học đầy đủ. Điểm trường thôn 9 hiện có 7 lớp học với tổng số 188 em học sinh. Với sự nỗ lực của các thầy cô, sự quan tâm của chính quyền cùng sự giúp đỡ của người dân, năm học mới 2014-2015 điểm trường thôn 9 vận động được 100% trẻ em đủ 6 tuổi ra lớp 1.

Khó có thể kể hết những vất vả nhọc nhằn mà những thầy giáo, cô giáo vùng sâu vùng xa phải vượt qua để đưa “cái chữ” đến với học sinh. Nhìn khuôn viên của điểm trường ngày càng khang trang đổi mới với những khóm hoa, cây che bóng mát… từ những bàn tay bé nhỏ của các em học sinh vun xới, chăm sóc hằng ngày, mới có thể cảm nhận được những cống hiến và sự hy sinh thầm lặng của các thầy, các cô, những người đang từng ngày bám lớp, bám trường giữa heo hút đại ngàn...

Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.