Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015: An toàn, nghiêm túc, đúng quy chế
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 với nhiều đổi mới đã kết thúc an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Thành công bước đầu của kỳ thi “hai chung” góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo...
Không còn chỗ cho... học vẹt
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, thí sinh (TS) thi 8 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, còn lại là các môn tự chọn Địa lý, Lịch sử, Sinh học, Hóa học, Vật lý. Theo nhận xét của các TS, đề thi năm nay có sự phân hóa cao, được sắp xếp từ dễ đến khó, trong đó có nhiều câu hỏi mở, giúp TS bày tỏ quan điểm, chính kiến, hiểu biết xã hội của mình. Nhiều vấn đề thời sự đã được đưa vào đề thi như: dịch MERS-CoV, biển - đảo, bệnh vô cảm, tích lũy kỹ năng sống… vì vậy đã tạo hứng thú cho TS khi làm bài. Em Đặng Ngọc Phương Uyên (dự thi tại điểm thi Cư Kuin) cho biết: “Em rất thích đề thi môn Ngữ văn vì ngoài những kiến thức trong sách vở còn có câu hỏi về người lính đảo và rèn luyện kỹ năng sống, đòi hỏi TS cần có kiến thức xã hội để thể hiện suy nghĩ và động cơ phấn đấu của mình trong cuộc sống”. Rời khỏi phòng thi với nụ cười tươi, em Lê Thị Vân Anh (dự thi ở điểm thi Buôn Đôn) thổ lộ: “Với dự đoán đề thi môn Địa lý sẽ đề cập đến vấn đề biển Đông nên em ôn tập khá kỹ nội dung này. Đồng thời tranh thủ tìm hiểu thêm thông tin ở sách báo và xem chương trình thời sự để cập nhật kiến thức. Nhờ vậy đối với câu hỏi liên quan đến việc khai thác tài nguyên biển - đảo em làm khá tốt”. Không chỉ có môn Ngữ văn, Địa lý, mà đề thi môn Lịch sử cũng không đòi hỏi TS phải học và nhớ từng năm, tháng của các sự kiện mà cần có kỹ năng tổng hợp, phân tích. TS Lê Viết Huy (dự thi ở điểm thi Buôn Ma Thuột) cho biết: “Trong đề thi có câu: “Từ những nhân tố chủ quan đảm bảo thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Việt Nam (1945-1954), hãy lựa chọn một nhân tố cần phát huy trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Theo anh chị, thanh niên Việt Nam cần làm gì để góp phần củng cố và phát triển nhân tố đó”, giúp TS có thể trình bày suy nghĩ, quan điểm của mình”. Song, không ít TS cho rằng cách ra đề như vậy khá mới lạ, đòi hỏi phải thay đổi cách thức học và ôn tập kiến thức. Là một trong những TS rời khỏi phòng thi cuối cùng, em H’Griêk Knul (dự thi ở điểm thi Cư Kuin) cho hay: “Đề thi của các môn thuộc khối C được ra theo dạng đề mở, chúng em rất ít được ôn tập nên khi nhận được đề thi đều khá bất ngờ. Tuy đề không quá khó nhưng có nhiều câu đòi hỏi TS phải có kiến thức tổng quát và sự hiểu biết thực tiễn cuộc sống mới hoàn thành tốt bài thi”.
Kiểm tra túi đựng đề thi còn niêm phong trước sự chứng kiến của thí sinh. |
Đối với các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, phần lớn TS đều cho rằng đề thi năm nay tương đối khó và có sự phân loại học sinh khá rõ ràng. Em Nguyễn Thị Hồng Nhung, học sinh Trường THPT Y Jút nói: “Đề thi môn Vật lý, Hóa học, Sinh học khá khó, đối với học sinh thi để xét tốt nghiệp chỉ làm được 40-60%. Đề thi môn Vật lý có nhiều câu hỏi thú vị như đưa Trường Sa vào câu hỏi về sóng vô tuyến truyền hình. Theo em, những bạn học chuyên thì đề thi năm nay cũng vừa sức, có nhiều câu hỏi thử thách để phân loại TS”.
Hai chung giảm áp lực, giảm chi phí
Trái với những băn khoăn, lo lắng trước những ngày diễn ra thi, nhiều phụ huynh, TS có chung cảm nhận kỳ thi hai chung giảm áp lực thi cử, không phải đi xa để dự thi như các mùa thi trước. Hoàn thành tương đối tốt 4 môn thi Toán, Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý, TS Nguyễn Trọng Nam, Trường THPT Nguyễn Văn Đồng (huyện Dak R’lấp, tỉnh Dak Nông) nhận xét: “Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi “2 trong 1” rất thuận lợi cho thí sinh. Với việc xác định ngay từ đầu ngành nghề trong tương lai, sẽ thuận lợi hơn về số lượng môn thi, do đó học tập trung hơn, không bị nhiều áp lực. Thêm một thuận lợi nữa, trước đây, chúng em phải đăng ký ngành, trường đại học trước khi thi tốt nghiệp THPT, còn năm nay khi có điểm thi rồi mới lựa chọn, đăng ký xét tuyển, như vậy sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển vào ngành mình yêu thích”. Còn anh Võ Văn Hạnh (thôn 1, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) - phụ huynh em Võ Phạm Thanh Hòa (Trường THPT Trần Phú) cho biết: “Mặc dù bận rộn với công việc đồng áng nhưng trong 4 ngày diễn ra kỳ thi, tôi đều đồng hành cùng con, vừa để bảo đảm an toàn trên đường đi, vừa động viên, khích lệ con làm bài thật tốt. Đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi 2 chung nên tôi rất lo lắng, không biết kết quả sẽ như thế nào nhưng qua mấy ngày đưa con đi thi, nhìn thấy con thoải mái tâm lý, tự tin với kết quả làm bài nên phần nào tôi cũng yên tâm hơn”. Không riêng anh Hạnh, rất nhiều phụ huynh có cùng nhận xét: Tổ chức nhiều cụm thi, các gia đình không phải đưa con đi thi xa, không phải “tập trung” về các thành phố lớn như các mùa thi đại học, cao đẳng như trước, như vậy sẽ tiết kiệm chi phí, thời gian và giảm bớt áp lực thi cử cho cả bố mẹ và học sinh.
Một điều có thể ghi nhận trong kỳ thi hai chung năm nay, đó là công tác coi thi được tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc. Trước kỳ thi, nhiều người bày tỏ quan ngại về công tác coi thi ở các điểm thi của cụm địa phương sẽ bị buông lỏng. Nhưng trên thực tế cho thấy, các điểm thi địa phương đã siết chặt kỷ luật phòng thi, tuân thủ và chấp hành nghiêm quy chế thi. Thầy Lã Mạnh Hà, Trưởng điểm thi Buôn Ma Thuột cho biết: Điểm thi Buôn Ma Thuột có 1.177 TS đăng ký dự thi, 118 cán bộ làm công tác coi thi. Ngoài ra còn có các nhân viên an ninh, công an, bảo vệ làm công tác giữ gìn an ninh trật tự trong và ngoài khu vực thi. Các lực lượng đều làm tốt chức năng, nhiệm vụ được phân công, góp phần giúp kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Không chỉ tại điểm thi Buôn Ma Thuột mà hơn 800 cán bộ coi thi của cụm địa phương, trong đó có 47 cán bộ, giáo viên của Trường Đại học Giao thông-Vận tải TP. Hồ Chí Minh đều phát huy hết tinh thần, trách nhiệm của mình nhằm bảo đảm tính công bằng, khách quan của kỳ thi. Tại cụm thi địa phương, không có trường hợp TS và cán bộ coi thi vi phạm quy chế. Trong khi đó, kỷ luật trường thi tại cụm thi Đại học Tây Nguyên được siết chặt, có 20 TS vi phạm quy chế, chủ yếu là do đem tài liệu vào phòng thi. Đây là kỳ thi có số TS vi phạm quy chế nhiều nhất trong những năm trở lại đây.
Nguyên Xuân
Ý kiến bạn đọc