Multimedia Đọc Báo in

"Người thầy của buôn làng"

08:54, 21/11/2015
Trường Tiểu học  N'Trang Lơng ở buôn Ea Yông A, xã Ea Yông (huyện Krông Pắc) ngày nay đã là một ngôi trường bề thế, với hai dãy phòng học cao tầng, khuôn viên thoáng đãng xanh sạch đẹp, đang trong giai đoạn hoàn thành việc xây dựng trường chuẩn quốc gia của huyện. Ngôi trường được như ngày hôm nay có sự góp sức không nhỏ của thầy Y Bhới Niê Blô.

Thầy Y Bhới Niê Blô sinh năm 1944 tại buôn Ea Yông A, xã Ea Yông, Krông Pắc trong một gia đình nông dân, cha mẹ đều không biết chữ nhưng sớm có ý thức giác ngộ cách mạng, tham gia các cuộc biểu tình đòi tăng khẩu phần ăn và giảm giờ làm trong các đồn điền cao su ở Tây Nguyên. Chứng kiến sự cai trị "ngu dân" của bọn thực dân Pháp, Y Bhới Niê Blô quyết chí đi học để biết cái chữ. Ở buôn làng không có trường học, anh lặn lội khăn gói lên Buôn Ma Thuột theo học ở Trường Nguyễn Du đến năm lớp 5, từ lớp 6 tới lớp 9 theo học ở Trường Trung học Y Jút, rồi sau đó là Trường Trung học Tổng hợp Buôn Ma Thuột. Trong thời gian này, Y Bhới Niê đại diện cho toàn thể học sinh trung học ở Buôn Ma Thuột đi Sài Gòn thi đấu môn thể hình và đã giành được giải Nhì toàn miền Nam. Năm 1966, Y Bhới học Trường Sư phạm Cao Nguyên Buôn Ma Thuột. Năm 1969, sau khi tốt nghiệp, anh đi dạy học tại Trường Thuận Hiếu 2 ở quận Phước An. Giai đoạn này, Y Bhới Niê luôn tích cực tham gia các phong trào của học sinh, sinh viên đứng lên đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Thầy  Y Bhới Niê Blô
Thầy Y Bhới Niê Blô

Sau khi đất nước thống nhất, Y Bhới Niê Blô là giáo viên thu dung được điều về giảng dạy tại Trường Tiểu học  Krông Puk 1 năm, sau đó làm phụ trách trường. Những năm đó, đất nước ta còn nghèo khó, trường học còn thiếu thốn, thầy Y Bhới đã vào từng nhà trong buôn vận động nhân dân cho con em mình đến lớp. Thầy cùng với nhân dân vào rừng chặt tre, cắt cỏ tranh về dựng trường học, vận động bà con trong buôn tăng gia sản xuất, vận động nhân dân tham gia các lớp xóa mù chữ. Đến năm 1980, thầy được điều động về phụ trách Trường Tiểu học Buôn Ea Yông A (nay là Trường Tiểu học  N'Trang Lơng), rồi làm hiệu trưởng cho đến tháng 5-2005 thì nghỉ hưu. Hơn 36 năm công tác trong ngành giáo dục, thầy Y Bhới Niê không quản khó khăn, luôn gương mẫu trong công việc chuyên môn, chịu khó tự học và nghiêm túc thực hiện tốt mọi công việc được giao; đặc biệt luôn hết lòng vì học sinh. Nhớ dịp Trung thu năm 1993-1994, Trường Tiểu học Buôn Ea Yông A tổ chức vui tết Trung thu cho học sinh, thầy trò quây quần bên mâm cỗ có khoai lang luộc, bắp nướng, ổi, quýt và đậu phụng rang. Vui phá cỗ xong, thầy trò ra về, bỗng em Y Taral Ayun, học sinh lớp 4B, lăn ra sân trường ngất xỉu. Nhanh như cắt, thầy Y Bhới liền bồng học sinh qua bệnh xá, hóa ra em bị bội thực vì ăn quá nhiều. Hỏi ra mới biết là hai ngày Y Taral không có một hạt cơm trong bụng, nước mắt thầy Y Bhới ứa ra. Thầy lẳng lặng đi xin được 9 kg gạo, 2 quả cam và một đôi dép cũ mang đến cho học sinh, dù khi đó đã gần nửa đêm. Tấm lòng của thầy đã gieo vào lòng giáo viên và học sinh nhà trường một ký ức đẹp không bao giờ phai mờ.

Với những đóng góp không ngừng nghỉ trong bao năm qua, thầy Y Bhới Niê Blô đã được tặng nhiều giấy khen và bằng khen. Nay tuy tuổi đã già, sức đã yếu nhưng với lòng đam mê cống hiến cho quê hương, cho đất nước, thầy vẫn đảm trách những công việc như: Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Ea Yông, thành viên Ban Chấp hành  Hội khuyến học xã Ea Yông, Trưởng Ban MTTQVN buôn Ea Yông A, Ủy viên MTTQVN huyện Krông Pắc. Từ năm 2011 đến năm 2015,  thầy được bầu là già làng có uy tín. Năm 2014, thầy Y Bhới Niê vinh dự là một trong hai già làng có uy tín của huyện Krông Pắc được ra thăm Trường Sa. Bà con trong buôn thì luôn gọi thầy bằng cái tên trìu mến: “Người thầy của buôn làng”.

 Mai Khoa Thâu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.