Những nhà sáng chế trẻ
Dù không có điều kiện tốt nhất để sáng tạo ra những mô hình, sản phẩm nhưng với sự đam mê tìm tòi sáng tạo cùng với đôi bàn tay khéo léo, sự vận dụng linh hoạt những kiến thức đã học trên ghế nhà trường, sách báo, tivi… nhiều sáng chế của học sinh đã đạt giải cao tại Hội thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh và toàn quốc.
Sáng tạo từ nhu cầu cuộc sống
Mặc dù chỉ mới học lớp 10, thế nhưng em Phan Ngọc Linh (xã Ea K’ly, huyện Krông Pắc) đã có nhiều sáng chế đoạt giải cao tại Hội thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh. Những sáng chế của em ra đời từ nhu cầu cuộc sống của gia đình và những người công nhân, nông dân suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, đó là mô hình “Rô bốt gắp, bắn và nâng” nhằm hỗ trợ cho những công nhân xây dựng, thợ điện phải leo trèo, những thợ chuyên nổ mìn khai thác đá… tránh được tai nạn nguy hiểm; là chiếc máy quét rác giúp giảm bớt nguồn nhân công lao động, tăng hiệu suất công việc; hay máy hút bụi tự động hỗ trợ việc lau chùi, quét dọn nhà cửa… Điều đáng nói là tất cả các sáng chế được tạo thành từ những phế loại như các thanh sắt, cánh quạt, líp xe đạp, bìa các tông… những thứ mà nhiều gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh bỏ đi hay đem bán ve chai.
Phan Ngọc Linh với sáng chế mới vừa thu hoạch quả vừa gặt thân cây ngô. |
Mới đây, trong Hội thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh lần thứ III, năm học 2014-2015, Linh đã đoạt giải Nhì với sáng chế “Máy tái chế nông nghiệp” và giải Khuyến khích với sản phẩm “Rô bốt hút bụi và quét rác”. Chia sẻ về sáng chế đoạt giải Nhì của mình, Linh cho biết: “Trong một lần cùng bố vào rẫy, đi dọc hai bên đường thấy những thửa ruộng trồng bắp sau khi thu hoạch còn lại thân cây vứt ngổn ngang, một số người phơi khô rồi đốt, chưa nói đến việc tốn thời gian, chi phí cắt bỏ mà điều đáng nói hơn cả là các hoạt động này đều gây ô nhiễm môi trường. Thấy thế, em liền suy nghĩ phải sáng chế ra một chiếc máy cắt thân cây ngô và tái chế thành phân bón phục vụ lại cho cây trồng. Chia sẻ ý nghĩ này với cả nhà, ai cũng nghĩ là em không thể nào làm được, thế nhưng sau gần 6 tuần suy nghĩ em đã hoàn thành bản vẽ chi tiết và bắt đầu bắt tay vào việc thực hành, quyết tâm biến sáng kiến thành hiện thực bằng các vật dụng từ phế liệu tưởng như không còn sử dụng được như bút, thước, bìa nhựa, thanh sắt, dây điện… đồng thời, ra cửa hàng thu gom phế liệu tìm mua một số bộ phận để lắp ghép sản phẩm như trục quay... Hơn 8 tháng sau, chiếc máy ‘’tái chế nông nghiệp’’ đã hoàn thành với sự ngạc nhiên và nể phục của cả gia đình, bạn bè, thầy cô giáo; đặc biệt em đã chứng tỏ được khả năng và quyết tâm của mình khi nghe mẹ nói “con không chế tạo được loại máy đó đâu, khó lắm’’.
Chị Nguyễn Thị Luận, mẹ Linh cho hay, từ nhỏ Linh đã đam mê sáng tạo, mặc dù chỉ học hỏi qua ti vi, sách báo nhưng mỗi khi trong nhà có đồ điện bị hỏng em lại tìm cách tự sửa chữa. Để chế tạo ra những chiếc máy đem đi dự thi, nhiều đêm Linh thức trắng để làm, sáng ra thấy hai bàn tay con trầy xước, rỉ máu vì phải cắt, hàn dây điện, khung nhôm, bảng điện… bằng đôi tay trần không có đồ bảo hộ khiến tôi xót lòng khuyên con không nên làm nữa. Vậy nhưng em vẫn không từ bỏ niềm đam mê, kiên trì mày mò chế tạo ra những chiếc máy với mong muốn giúp người nông dân bớt khổ, hạn chế tối đa chi phí đầu tư sản xuất. “Ước mơ của em là được học bài bản, có đầy đủ dụng cụ thực hành để thỏa niềm đam mê sáng tạo, sau này cống hiến tài năng, trí tuệ cho đất nước”, Linh bày tỏ. Được biết, trong Hội thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh lần thứ II, năm học 2013-2014, 2 tác phẩm tham dự Hội thi của em là mô hình “Rô bốt bắn, gắp và nâng” đoạt giải Nhì và “Máy quét rác” đoạt giải Ba.
Đam mê sáng tạo
Với sáng chế “Xe đồ chơi điều khiển thông minh”, em Phan Văn Dương (Trường THPT Chu Văn An, TP. Buôn Ma Thuột) không những đoạt giải Nhất của Hội thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh lần thứ III, năm học 2014-2105 mà còn đoạt giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 11 năm 2015. Sản phẩm vừa là đồ chơi thông minh vừa phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập được tạo ra từ mạch Arduino giúp con người quan sát dữ liệu hình ảnh về máy tính thông qua thiết bị về smart phone được gắn trên xe. Chức năng của sản phẩm này gồm: điều khiển giọng nói qua smart phone, tránh vật cản bằng sóng siêu âm, bám theo đối tượng cụ thể, truyền dữ liệu hình ảnh về máy tính thông qua wifi lan hoặc Internet, chạy theo vạch… Chia sẻ về sáng kiến của mình, Dương cho biết: “Ban đầu em sáng chế mô hình “Xe đồ chơi điều khiển thông minh” chỉ nhằm mục đích thực hành, ứng dụng vào cuộc sống sau khi đọc các giáo trình dạy lập trình, điều khiển qua Internet. Đến khi nghe thông tin về cuộc thi em mới gửi đi tham dự. Điểm đặc biệt của sản phẩm này được điều khiển thông qua máy tính hoặc điện thoại di động nhằm thay con người dò đường, thu thập thông tin trong khu vực nguy hiểm như cống ngầm, hầm lò”. Để hoàn thành sáng chế này, Dương phải tranh thủ làm vào ban đêm vì lịch học quá nhiều, tuy vậy, chỉ trong khoảng 1 tuần em đã cho ra đời sản phẩm hoàn chỉnh.
Phan Văn Dương (thứ 2 từ trái sang) trong lễ nhận giải Hội thi sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh lần thứ III. |
Từng là học sinh chuyên Lý, Trường THPT Quốc học Huế (TP. Huế), vì hoàn cảnh gia đình nên cuối năm lớp 11 Dương chuyển lên Đắk Lắk tiếp tục theo đuổi sự học. Giữa muôn vàn khó khăn của cuộc sống, một mình trọ học ở thành phố không gia đình, người thân bên cạnh nhưng niềm đam mê sáng tạo kỹ thuật của Dương không vì thế vơi đi mà ngược lại em càng thỏa chí chế tạo ra những sản phẩm độc đáo được nhiều người ngưỡng mộ. Trong đó, phải kể đến sản phẩm “Chuông báo giờ tự động” với 4 kênh, mỗi kênh có trên 200 mốc reo, hệ thống nhằm giúp các cơ quan, nhà máy, trường học… có thể cài đặt giờ báo động tự động chính xác nhất để phục vụ công việc hằng ngày. Với sáng chế này, Dương đã bán sản phẩm mẫu cho một Công ty chuyên kinh doanh về chuông báo giờ tự động ở TP. Hồ Chí Minh với mức giá gần 20 triệu đồng. Có được số tiền này và cả tiền thưởng sau khi nhận giải em đều dành để đầu tư vào việc sáng tạo các sản phẩm khác như “Chuông chống trộm” hay sản phẩm “Giám sát hệ thống an ninh qua thiết bị Internet”. Được biết, khi đang học ở quê, Dương cũng đã có nhiều sản phẩm tham dự Hội thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế. Chia sẻ về dự định tương lai, Dương cho biết em sẽ tập trung vào sáng chế khoa học kỹ thuật để tham dự các cuộc thi trong và ngoài tỉnh sắp tới; trước mắt sẽ tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học lần thứ III năm học 2015-2016 do Sở GD-ĐT tổ chức vào tháng 1-2016 với sản phẩm “Giám sát hệ thống an ninh qua thiết bị Internet”.
Trong những năm gần đây, Hội thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh đã thu hút hàng trăm mô hình, sáng kiến của các em học sinh từ bậc tiểu học đến THPT tham gia. Ngoài những sáng kiến của 2 nhà sáng chế trẻ trên phải kể đến những mô hình, sản phẩm có tính ứng dụng cao trong trong đời sống, học tập như: “Mô hình điều khiển hệ thống tưới cây tự động” của em Phạm Quang Thao (Trường THPT Lê Quý Đôn, TP. Buôn Ma Thuột) đoạt giải Nhì Hội thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh lần thứ III và giải Khuyến khích toàn quốc; sáng chế “Phần mềm tự học âm nhạc cấp THCS - ươm mầm âm nhạc” của em Nguyễn Đình Ngọc (Trường THCS Nguyễn Huệ, huyện Cư M’gar) đoạt giải Ba cấp tỉnh và giải Nhì toàn quốc; “Ứng dụng mô hình nhà ghép trong việc ghi nhớ bảng động từ bất quy tắc và album ghi nhớ ngữ động từ trong tiếng Anh” của nhóm học sinh Trường THPT Buôn Ma Thuột (TP. Buôn Ma Thuột) đoạt giải Ba cấp tỉnh…
Tam Giang
Ý kiến bạn đọc