Multimedia Đọc Báo in

Người phụ nữ nghèo ham học

09:08, 21/09/2016
Nhà nghèo, lại đông anh chị em nên H’Lim Êban (SN 1989, trú tại buôn Krang, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana) phải nghỉ học từ năm lớp 3 để làm rẫy phụ giúp gia đình. Năm 2003, khi 14 tuổi, H’Lim mắc bệnh động kinh và phải uống thuốc hằng ngày. Đến năm 2006, H’Lim lấy chồng và sinh được một đứa con song người chồng chỉ sống với chị 6 tháng rồi bỏ đi biệt tích. 
 
Phải nghỉ học sớm nhưng trong lòng H’Lim Êban luôn khát khao con chữ. Giữa năm 2016, nghe tin Huyện Đoàn Krông Ana phối hợp với Hội Phụ nữ huyện mở lớp xóa mù chữ ngay tại buôn, chị H’Lim háo hức đăng ký ngay. Vào những ngày học, cứ đi làm về là chị tắm rửa thật nhanh để đến lớp, nhiều khi còn không kịp ăn cơm, buổi trưa nào rảnh rỗi là chị lại lấy bút vở ra để tập viết. Chị còn lấy những tờ báo hay sách lớp 1 của con trai ra tập đánh vần. Có hôm đang học trên lớp học thì căn bệnh động kinh của H’Lim tái phát, chị co giật liên tục làm cả lớp rất sợ, nhờ thầy cô giáo trấn an mọi người và xoa bóp nên chị đã tỉnh lại và tiếp tục học. Chị tâm sự: “Các thầy cô dạy rất dễ hiểu và chỉ bảo mình tận tình lắm, còn cho mình quần áo và cặp sách cho con trai mình nữa”. Sự quan tâm của các thầy cô khiến chị bớt tự ti và có thêm động lực để học.
Chị H’Lim Êban trong lớp học xóa mù chữ tại buôn.
Chị H’Lim Êban trong lớp học xóa mù chữ tại buôn.
Anh Đào Đức Hiệp, Phó Bí thư Huyện Đoàn Cư M’gar đồng thời cũng là giáo viên tình nguyện trực tiếp đứng lớp cho biết: “Dù bị bệnh động kinh nhưng chị H’Lim Êban rất ham học hỏi và tiếp thu bài rất nhanh. Chị hầu như không vắng buổi học nào, thậm chí còn đi học rất sớm”. 
 
Không chỉ ham học, H’Lim còn mê hát. Mỗi khi nghe trường tiểu học bên cạnh tổ chức chào cờ và hát quốc ca là chị lại chạy ra, lấy điện thoại ghi âm lại để về hát theo. Chị còn nhờ các thầy cô giáo dạy nhạc ghi âm bài hát vào điện thoại của mình để về mở ra tập hát. Vì thế, chị đã thuộc rất nhiều bài hát. 
 
Nhờ chăm chỉ, chịu khó, trải qua ba tháng theo học lớp xóa mù chữ, H’Lim đã có thể đọc viết thành thạo. Tại lễ tổng kết lớp xóa mù chữ, chị tự tin lên trình bày ca khúc hay nhất của mình và phát biểu trước mọi người một cách rành rọt. Chị còn được Huyện Đoàn và Hội Phụ nữ huyện tặng giấy khen vì có thành tích học tập xuất sắc.
 
Nguyễn Huyền

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.