Multimedia Đọc Báo in

Náo nức ngày khai trường

10:10, 05/09/2017
Cùng với cả nước, hôm nay (5-9), các trường học trên địa bàn tỉnh đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học 2017-2018.
 
Như nhiều bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1, bố mẹ em Nguyễn Quốc Khang (Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, TP. Buôn Ma Thuột) đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho con bước vào năm học mới. Mẹ cháu cho biết, chị sẽ sắp xếp thời gian cùng con tham dự lễ khai giảng này. 
 
Trong khi đó dù đã nhập học hơn một tuần, nhưng mỗi chiều tan trường về cháu Lê Đặng Gia Anh, lớp 3 (Trường Tiểu học Dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP. Buôn Ma Thuột) lại háo hức khoe với bố mẹ: "Mấy hôm nay, các em lớp 1 tập xếp hàng chào cờ chuẩn bị cho lễ khai giảng, còn tụi con lớn rồi không phải tập nữa”. Không đợi mẹ trả lời, bé nói tiếp: “Mẹ ơi! Lễ khai giảng năm nay có vui như năm học trước không? Con rất thích các tiết mục dân vũ tại lễ khai giảng của năm lớp 2”. 
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện M’Đrắk sẵn sàng năm học mới 2017-2018.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện M’Đrắk sẵn sàng năm học mới 2017-2018.

Không riêng các em học sinh, phụ huynh mà nhiều thầy cô giáo cũng náo nức đón chờ “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”. Gần 30 năm trong nghề và nhiều lần chuẩn bị cho lễ khai giảng, nhưng cứ đến ngày khai trường cô Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Cư Pui (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) lại nao nao cảm xúc. Cô Thu hồ hởi cho biết: "Kết thúc năm học là chúng tôi bắt tay vào tu sửa phòng học, làm mái che cho các lớp học, xây sân khấu ngoài trời, trồng hoa, cây cảnh xung quanh khuôn viên trường để đón các cháu vào năm học mới. Do đó không riêng gì tôi, mà tất cả thầy, cô giáo trong trường đều háo hức đến ngày khai giảng để “khoe” thành quả lao động mà mình đã dành toàn tâm, toàn ý suốt mùa hè làm vì các cháu”. Cô Thu chia sẻ thêm, ai cũng trải qua thời tuổi thơ, hẳn lòng sẽ thấy buâng khuâng, xao xuyến khi nghe tiếng trống trường rộn rã vang lên trong nắng sớm báo hiệu năm học mới bắt đầu. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên đầy thú vị khi mùa khai trường đến cũng là lúc mùa thu vừa sang. Màu nắng vàng trong ngày khai giảng thật đặc biệt sẽ mãi neo đậu vào ký ức đời người những xúc cảm khó phai. 

Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, chuẩn bị cho ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường”, ngành Giáo dục tỉnh đã chủ động chuẩn bị đầu tư xây dựng, sửa chữa trường lớp; mua sắm trang thiết bị dạy học; triển khai công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên... Năm học này, tỉnh dành hơn 240 tỷ đồng xây dựng mới 85 phòng học, sửa chữa 280 phòng học và các công trình phụ trợ khác. Cùng với đó, ngành Giáo dục còn được đầu tư gần 71 tỷ đồng mua sắm thiết bị dạy học. Các cơ sở giáo dục trong tỉnh cũng đã huy động xã hội hóa hàng chục tỷ đồng xây dựng, tu bổ trường lớp, nhờ đó tỷ lệ phòng học kiên cố toàn tỉnh đạt 64,98%. Đặc biệt, ngành Giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác huy động trẻ trong độ tuổi đến trường; tuyển sinh đầu cấp; dành kinh phí mua sắm sách vở, dụng cụ học tập, cùng nhiều suất học bổng tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh hiếu học. Cũng như vài năm học gần đây, năm nay Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường học tổ chức lễ khai giảng trang trọng, ngắn gọn, ý nghĩa. Nội dung lễ khai giảng được tổ chức gồm 2 phần: “lễ” và “hội” tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh bước vào năm học mới.
 
Năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 1.013 trường học các cấp, với 455.763 học sinh; trong đó học sinh dân tộc thiểu số 159.846 em. Toàn ngành phấn đấu đến cuối năm 2017 tỷ lệ trường học đạt Chuẩn quốc gia đạt 39%; 100% thôn, buôn có trường, lớp mẫu giáo (tính cả lớp học ghép); tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 65% (cuối năm 2017) và đạt 65,4% (cuối năm 2018); tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi các bậc học đạt trên 99%...

Nguyên Hoa

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.