Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Khó tách trường vì thiếu biên chế giáo viên

16:32, 08/10/2017

Huyện Krông Bông hiện có 58 trường ở các bậc học từ Mầm non đến THPT. Thời gian vừa qua, do có nhiều điểm trường lẻ, số lượng học sinh tăng nhanh, gây khó khăn trong quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục nên một số trường ở các xã vùng sâu có nhu cầu tách trường. Tuy nhiên, việc tách trường gặp trở ngại rất lớn vì thiếu biên chế.

Trường THCS Cư Pui (xã Cư Pui) có 22 lớp với 938 học sinh; trong đó có trên 500 học sinh ở 6 thôn đồng bào Mông di cư, nhiều em phải đi học cách nhà từ 8 - 20 km. Năm 2016, Dự án ổn định dân di cư thôn Ea Lang đã đầu tư xây dựng 8 phòng học hai tầng tại thôn Ea Lang nhằm giúp học sinh đi học gần hơn; song, đến nay công trình này vẫn chưa đưa vào sử dụng vì thiếu biên chế giáo viên. Ông Nguyễn Hữu Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS Cư Pui cho biết: “Học sinh của trường hiện nay rất đông. Có lớp lên đến 50 em. Nhà trường đã tham mưu cho UBND xã Cư Pui làm đề án tách trường nhưng chưa được cấp trên phê duyệt vì chưa có giáo viên”.

Học sinh Trường THCS Cư Đrăm.
Học sinh Trường THCS Cư Đrăm.

Trường THCS Cư Đrăm (xã Cư Đrăm) hiện có 14 lớp, 530 học sinh, trong đó gần 300 em từ 6 thôn đồng bào Mông, đi học với khoảng cách từ 12 - 25 km. Đường đi rất khó khăn vì tuyến đường liên xã Cư Đrăm - Cư San đã xuống cấp trầm trọng; một số học sinh có điều kiện thì đi về trong ngày bằng xe buýt hoặc phụ huynh đưa đón, các em còn lại phải ở nội trú hay ở trong các lều tạm. Phụ huynh học sinh ở các thôn đồng bào Mông nhiều lần đề nghị mở điểm trường THCS tại thôn Yang Hăn. Ông Võ Chương, Bí thư Đảng ủy xã Cư Đrăm chia sẻ: “Địa phương cũng đã kiến nghị với cấp trên về việc chia tách, thành lập thêm một trường THCS ở trung tâm các thôn đồng bào Mông, giúp học sinh ở đây không phải đi học xa hàng chục cây số, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng học tập. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở vật chất chưa có, lại thiếu biên chế giáo viên nên việc tách trường là rất khó”.

Tương tự, Trường THCS Hòa Phong, Trường Tiểu học Cẩm Phong (xã Hòa Phong), Trường Mẫu giáo Cư Pui (xã Cư Pui) cũng có nhu cầu chia tách trường vì số học sinh tăng nhanh; các trường đều có nhiều điểm trường cách xa điểm trường chính hàng chục cây số. Như Trường Mẫu giáo Cư Pui có 18 lớp, 610 học sinh và có đến 11 điểm lẻ, trong đó có hơn 300 cháu ở các thôn đồng bào Mông. Các điểm trường cách nhau khá xa, có điểm cách xa điểm chính gần 20 km khiến việc quản lý của nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. UBND xã Cư Pui đã làm hồ sơ xin tách trường nhưng UBND huyện chưa đồng ý vì thiếu biên chế giáo viên.

Trước tình hình đó, vừa qua Phòng Nội vụ và Phòng GD-ĐT huyện Krông Bông đã phối hợp kiểm tra, rà soát tình hình sử dụng biên chế ở tất cả các trường trong huyện. Qua kiểm tra cho thấy, các trường đều sử dụng hết biên chế; một số trường ở các xã Hòa Phong, Cư Pui, Cư Đrăm có nhu cầu tách trường, xin thêm giáo viên do số lượng học sinh người Mông tăng nhanh. Tuy nhiên, huyện Krông Bông hiện còn thiếu hơn 100 biên chế về giáo viên (nhiều nhất là ở bậc học Mầm non).

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.