Multimedia Đọc Báo in

Trường THCS Trần Quang Diệu (huyện Buôn Đôn): Triển khai nhiều giải pháp giảm tỷ lệ học sinh bỏ học

16:33, 08/10/2017

Trường THCS Trần Quang Diệu đứng chân trên địa bàn xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn). Trong 3 năm học gần đây, bình quân mỗi năm Trường THCS Trần Quang Diệu có từ 25 học sinh trở lên bỏ học, tương đương với tỷ lệ 2,7% trở lên.

Cụ thể, năm học 2014-2015, trường có 31 học sinh bỏ học, chiếm tỷ lệ 3,26%; năm học 2015-2016 có 29 em bỏ học, chiếm 3,1%; năm học 2016-2017 có 25 em bỏ học, chiếm tỷ lệ 2,7%. Nguyên nhân học sinh bỏ học chủ yếu như: học sinh ham chơi game, học lực yếu, không theo kịp bài giảng trên lớp, phụ huynh lại không quan tâm dẫn tới các em chán học; do hoàn cảnh quá khó khăn nên các em phải nghỉ học để phụ giúp gia đình; một số gia đình bận mưu sinh hoặc hôn nhân tan vỡ nên thiếu quan tâm đến con em khiến các em bỏ học... Có nhiều gia đình có con em bỏ học khi giáo viên nhà trường đến vận động cho các cháu đi học lại thì thờ ơ, không quan tâm, thiếu hợp tác.

Năm học 2017-2018, Trường THCS Trần Quang Diệu có 34 lớp với tổng số 938 học sinh; trong đó, có gần 338 em là học sinh người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 36%. Trước tình trạng học sinh bỏ học diễn ra thời gian qua, ngay từ đầu năm học mới này, nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ học sinh bỏ học đến mức thấp nhất. Cô Vũ Thị Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quang Diệu cho biết: “Nhà trường sẽ tạo những điều kiện tốt nhất để học sinh tới trường như: miễn giảm các khoản đóng góp cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; chỉ đạo Liên đội, Đoàn thanh niên triển khai các phong trào, hoạt động giúp đỡ cho học sinh khó khăn”.

Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu Trường THCS Trần Quang Diệu tăng cường tuyên truyền trước lễ chào cờ về mục tiêu học tập nhằm tạo động cơ, nâng cao ý thức học tập cho học sinh. Nhà trường cũng tập trung đổi mới phương pháp dạy và học; chú trọng hướng dẫn học sinh phát huy tính tự giác trong học tập; tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động ngoại khóa nhằm tạo hứng thú cho các em học sinh trong học tập; chỉ đạo tập thể giáo viên nắm bắt tâm lý từng đối tượng học sinh, đặc biệt là các em có nguy cơ bỏ học để có biện pháp giúp đỡ kịp thời. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm các lớp cũng tăng cường công tác phối hợp với phụ huynh trong việc giáo dục, quản lý học sinh; tư vấn cho phụ huynh các biện pháp giáo dục con em mình phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Ban Giám hiệu nhà trường cũng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, ban tự quản các thôn, buôn trong công tác vận động học sinh bỏ học quay trở lại lớp.

Quốc An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.