Multimedia Đọc Báo in

Cậu học trò đam mê sáng chế

09:01, 29/11/2018

Với niềm say mê sáng tạo, em Vũ Thanh Sơn (lớp 11A4, Trường THPT Y Jút, huyện Cư Kuin) đã nghiên cứu chế tạo ra nhiều sản phẩm gắn liền với thực tiễn cuộc sống và gặt hái được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi sáng tạo.

Sơn chia sẻ: "Ngay từ nhỏ, em đã có niềm đam mê với các loại máy móc, thiết bị điện tử và thường xuyên theo dõi những chương trình sáng tạo khoa học, kỹ thuật trên tivi. Từ đó, em luôn nuôi khát vọng tự chế tạo ra được những sản phẩm có ích phục vụ đời sống." Năm học lớp 8, nhận thấy lượng điện năng lấy từ tấm pin năng lượng mặt trời của gia đình và một số hộ dân không đủ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, nhất là vào buổi tối, Sơn luôn suy nghĩ tìm cách sao cho tấm pin này nhận được nguồn ánh sáng nhiều hơn để nâng cao hiệu quả sử dụng của các thiết bị. Sau 2 tháng tìm tòi, học hỏi trên mạng Internet cùng với sự hướng dẫn, tư vấn của người anh trai, Sơn đã chế tạo thành công "Bộ điều hướng pin mặt trời". Với sản phẩm này, Sơn đã đạt giải Khuyến khích tại Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2015-2016, do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cư Kuin tổ chức. Giải thưởng này chính là động lực thúc đẩy Sơn tiếp tục nỗ lực và phát huy khả năng sáng tạo của bản thân.

Em Vũ Thanh Sơn trong lễ trao giải Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ VI, năm học 2017-2018.
Em Vũ Thanh Sơn trong lễ trao giải Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ VI, năm học 2017-2018.
 

“Sơn là một cậu học trò có tư duy với nhiều ý tưởng sáng tạo hay. Trong quá trình thực hiện ý tưởng, Sơn rất nghiêm túc, nhạy bén và chịu khó tìm tòi, học hỏi”.

 
 
Thầy Hoàng Minh Trung, giáo viên dạy môn Toán-Tin của Trường THPT Y Jút - người trực tiếp hướng dẫn Sơn thực hiện ý tưởng “Thiết bị hỗ trợ quan sát và dò tìm kim loại”

Đầu năm học lớp 9, Sơn đã cho ra đời sản phẩm “Thiết bị điều khiển mô tô thông minh”. Sơn cho biết từ thực tế có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do người điều khiển phương tiện không làm chủ được tốc độ và giữ khoảng cách an toàn với những phương tiện khác nên em muốn chế tạo ra một thiết bị hỗ trợ người lái điều chỉnh được tốc độ, giảm thiểu mức độ va chạm khi lưu thông trên đường. Từ bộ vi điều khiển và một số thiết bị điện tử, Sơn đã tạo nên “Thiết bị điều khiển mô tô thông minh” sau 4 tháng mày mò, nghiên cứu. Chỉ cần gắn thiết bị này lên xe mô tô, trong quá trình tham gia giao thông nếu xe chạy quá tốc độ hay gặp vật cản thì thiết bị sẽ tự động báo còi, giảm ga đồng thời đạp phanh thay người lái. Sản phẩm này được đánh giá cao về ý tưởng và tính ứng dụng, mang về cho Sơn nhiều giải thưởng lớn từ các cuộc thi sáng tạo các cấp: giải Nhất tại Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ V, giải Nhất cấp tỉnh và giải Khuyến khích cấp quốc gia Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2016-2017.

Mới đây, với đề tài “Thiết bị hỗ trợ quan sát và dò tìm kim loại”, Sơn đã xuất sắc vượt qua 26 tác giả và nhóm tác giả để giành giải Nhất tại Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ VI, năm học 2017-2018. Theo Sơn, thiết bị này hoạt động thông qua hệ thống wifi và camera quan sát từ xa, nên nếu được sử dụng rộng rãi sẽ thay người dùng quan sát và tìm kiếm kim loại giúp tiết kiệm thời gian, công sức và hạn chế được rủi ro do bom mìn, vật nổ gây ra. 

Em Vũ Thanh Sơn bên sản phẩm “ Thiết bị hỗ trợ quan sát và dò tìm kim loại”.
Em Vũ Thanh Sơn bên sản phẩm “ Thiết bị hỗ trợ quan sát và dò tìm kim loại”.

Đam mê sáng tạo, nhưng Sơn vẫn chăm chỉ học hành, tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao của trường. Hiện Sơn là một trong những thành viên tích cực của Câu lạc bộ tiếng Anh và Câu lạc bộ hành trình đỏ Đắk Lắk. Sơn cho biết, về lâu dài em vẫn tiếp tục nghiên cứu để có thể sáng chế thêm nhiều sản phẩm có ích và thiết thực với cuộc sống, còn trước mắt em sẽ tập trung vào việc học để quyết tâm giành một tấm vé vào giảng đường đại học, nuôi dưỡng ước mơ trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.