Multimedia Đọc Báo in

Đôi điều về mối quan hệ thầy trò ở hai nền văn hóa Đông - Tây

10:40, 27/11/2018

Tôi may mắn được trải nghiệm ở hai môi trường học thuật ngoài Việt Nam, đó là Hàn Quốc và Australia. Cả ba nền giáo dục đều có thế mạnh vốn có của nó. Xin chia sẻ những cảm nhận dưới góc nhìn của người viết bài này khi đã từng trải qua các nền giáo dục đó.

Ở phương Đông, người thầy có vị trí rất cao, thể hiện ở quyền và kiến thức đối với học sinh. Người thầy phải là người am hiểu nhiều thứ và đặc biệt là kiến thức mà mình giảng dạy. Thầy cô phải trả lời được tất cả các câu hỏi khi được hỏi. Hơn nữa, trong quan niệm Á Đông, đặt một câu hỏi hóc búa với người thầy của mình thì dường như bị coi là “phạm thượng”. Còn ở phương Tây, nhờ sách báo và mạng thông tin, học trò có thể đặt nhiều câu hỏi mà chính các giáo sư trong ngành cũng không trả lời được. Ví dụ, trong một tiết học, có một sinh viên đặt câu hỏi mà giáo sư không trả lời được, giáo sư sẽ hỏi: “Trong lớp có ai trả lời được câu hỏi này không?”. Nếu không ai trả lời được thì giáo sư sẽ nói “Tôi sẽ nghiên cứu và trả lời em sau nhé”. Việc tương tác này giúp cho cả thầy lẫn trò hài lòng và tích cực nghiên cứu, sáng tạo.

Cô và trò hân hoan trong ngày lễ lớn của nhà giáo.    Ảnh: Q Khải
Cô và trò hân hoan trong ngày lễ lớn của nhà giáo. Ảnh: Q Khải

Nền giáo dục phương Đông và phương Tây có hai phong thái gần như đối lập nhưng có chung một điểm là làm cho người học tiến bộ hơn và mang tri thức học được để cống hiến cho xã hội.

Giáo sư ở các trường học phương Tây rất thân thiện, họ coi sinh viên là bạn. Khi lên lớp, họ không cần phải mặc  những bộ comple với dáng vẻ đạo mạo mà tuỳ vào mùa nóng hay lạnh để mặc những bộ đồ bình dị. Ví dụ, bạn có thể thấy một vị giáo sư mặc chiếc áo cũ cùng chiếc quần soóc vừa ăn táo vừa giảng bài cho sinh viên. Có lần, trên đường lên thư viện, tôi gặp vị giáo sư của mình đang ăn sôcôla, ông bẻ cho tôi một miếng và nói “Ăn đi em!”. Mối quan hệ gần gũi giữa thầy và trò giúp cho sự giao tiếp cởi mở hơn và từ đó có thể trao đổi các vấn đề chuyên sâu về học thuật. Trong khi đó, người thầy phương Đông thì thường cực kỳ nghiêm khắc. Trong văn hóa phương Đông truyền thống, người thầy có uy quyền hơn cả cha mẹ, xếp theo thứ bậc theo quan niệm Nho giáo là “Quân – Sư – Phụ”.

Tác giả (phải) khi học tại Hàn Quốc và giáo sư của mình.
Tác giả (phải) khi học tại Hàn Quốc và giáo sư của mình.

Ngày nay, nhờ “thế giới phẳng” mà sự khác biệt về quan hệ giữa thầy và trò của hai nền văn hóa Đông – Tây không quá rõ rệt. Tuy nhiên, người thầy phương Tây luôn tôn trọng ý kiến cá nhân học sinh, sinh viên và luôn khích lệ phát triển ý kiến cá nhân đó. Ví dụ, trong một bài viết của học viên, họ thấy chưa đạt thì họ không chê mà gợi ý nên phát triển ở những đoạn nào tốt. Nghĩa là họ luôn thấy chỗ tốt của bài viết và giúp cho học viên phát triển những ý tốt của bài viết. Nói về động viên, họ thường cổ vũ thành công của sinh viên. Ví dụ, ít nhất là họ nói “ok” (được, tốt) để cổ vũ học trò mình; làm tốt hơn thì họ nói “tuyệt vời”, “xuất sắc” hoặc nhận xét bài viết: “Bài này em làm hay hơn bài hôm trước đấy”. Cũng có khi chỉ vài dấu cộng, vài khuôn mặt cười mà người thầy vẽ trong mỗi bài viết thay cho lời khen cũng làm cho học sinh, sinh viên có thêm nguồn động lực lớn lao để càng say mê học tập.

Dù có sự khác biệt trong môi trường học tập song mối quan hệ thầy trò dù bất kỳ nơi đâu đều luôn rất đặc biệt, là nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều tác phẩm thi ca, nhạc họa.

Lê Văn Vượng

(Nghiên cứu sinh tại Australia)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.