Cần thực chất khi đánh giá sinh viên bằng điểm số
Đầu tháng 1-2019, tại buổi đối thoại “Nâng cao hiệu quả hợp tác giữa đơn vị tuyển dụng - doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong lĩnh vực sinh học, công nghệ sinh học” do Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh tổ chức, đã có một kiến nghị bất ngờ từ phía các nhà tuyển dụng được nêu ra là mong thầy cô giáo đừng dễ dàng cho sinh viên điểm cao. Đề nghị này xuất phát từ thực tế có những sinh viên bằng giỏi nhưng không trả lời được các câu hỏi đơn giản của nhà tuyển dụng…
Rõ ràng, doanh nghiệp nào, cơ quan nào cũng muốn nhận người làm được việc chứ chẳng ai muốn nhận những sinh viên tốt nghiệp bằng khá, giỏi mà chẳng đánh máy nổi văn bản cho đúng kỹ thuật. Nhà tuyển dụng nào cũng muốn tìm được người có năng lực thật sự chứ không chỉ đủ bằng cấp là được. Nhưng để mỗi sinh viên mới tốt nghiệp đến được vòng phỏng vấn trực tiếp với nhà tuyển dụng thì các em phải qua được vòng loại hồ sơ mà nhiều nơi lại chỉ nhận hồ sơ của sinh viên tốt nghiệp loại khá trở lên. Điều đó cũng có nghĩa tấm bằng tốt nghiệp loại khá chính là cánh cửa đầu tiên trên con đường tìm kiếm việc làm của các tân cử nhân. Từ đó mới sinh ra tâm lý các thầy cô nương nhẹ tay, nâng điểm lên một chút để các em đạt bằng khá, có cơ hội đi xin việc.
Sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk tìm hiểu thông tin về nhu cầu tuyển dụng, việc làm. Ảnh: Lan Anh (Ảnh có tính chất minh họa) |
Ngay cả việc thực tập sư phạm của các giáo sinh cũng vậy. Có không ít trường phổ thông nhận xét rất thẳng thắn, phê bình "tơi tả" giáo sinh nhưng cuối cùng điểm số vẫn "đẹp như mơ" toàn 8, 9, 10. Gần như kết quả thực tập của sinh viên năm cuối đều là những điểm rất đẹp cho dù không phải ai cũng xứng đáng. Lý do là các trường cho rằng sinh viên thực tập đang là những người thợ học việc nên điểm chấm là chấm sự cố gắng. Mặt khác, các thầy cô muốn tạo cơ hội để sinh viên sư phạm có thể tốt nghiệp loại khá, có như vậy mới có điều kiện để nộp hồ sơ xin việc.
Bên cạnh sự ưu ái của thầy cô thì còn có một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng sinh viên đã tốt nghiệp mà không nắm được những kiến thức cơ bản đó là nhiều em mải mê đi làm thêm kiếm tiền thay vì chú tâm học hành. Không ít sinh viên chỉ học để đối phó cho qua kỳ thi chứ chưa ý thức đến tích lũy kiến thức nên thi xong là "chữ thầy lại trả cho thầy". Và khi cầm tấm bằng trên tay đi xin việc, nhiều em đã không thể đáp ứng được ngay cả những yêu cầu đơn giản của công việc; còn cơ quan, doanh nghiệp đã "trót" tuyển dụng rồi thì phải đào tạo lại.
Lại Thị Ngọc Hạnh
Ý kiến bạn đọc