Multimedia Đọc Báo in

Phạt trẻ bằng tình thương

09:05, 03/08/2019

Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, ở lứa tuổi học sinh, tính tình trẻ hay thất thường, dễ nổi loạn, mắc sai lầm trong cách nhìn nhận, đánh giá dẫn đến những hành vi, cách cư xử thiếu chuẩn mực đạo đức. Tuy nhiên, chỉ vì những sai lầm nông nổi mà chúng ta xử phạt không khéo, đưa ra những lời nhận xét thiếu tích cực, đánh giá quy chụp… thì sẽ khiến các em mặc cảm, tự ti, tuột dốc và có khi cuộc đời rẽ theo hướng tiêu cực hơn.

Quan niệm “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” phải chăng vẫn được nhiều giáo viên và phụ huynh ủng hộ một cách máy móc và tùy tiện, đôi khi lại phản tác dụng. Nếu cách xử phạt học sinh khi phạm lỗi chưa khéo, phù hợp thì trẻ sẽ bị tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần. Các em dễ rơi vào trạng thái thấy mình là kẻ cô độc trong lớp, là học sinh cá biệt và rồi nảy sinh những phản ứng tiêu cực.

Việc giáo dục hay phạt trẻ có thể có nhiều cách. Trong giáo dục đạo đức ngày nay, mỗi khi mắc lỗi, học sinh có thể bị giáo viên quát mắng, phê bình, kiểm điểm; có giáo viên lại phạt học sinh bằng cách đi lao động, mời phụ huynh để trao đổi, phê bình trước lớp, trước cờ, hoặc thẳng tay hạ hạnh kiểm… nhưng có lẽ phương pháp phạt trẻ bằng tình thương là cách làm ít gặp và không phải ai cũng dễ dàng làm được. Xử phạt bằng tình thương ở đây chính là cách giáo dục trẻ bằng tình yêu thương, bằng sự đồng cảm, sẻ chia, bằng sự ân cần và thấu hiểu. Người giáo viên phải đóng vai là các “nhà tư vấn”, “nhà tâm lý” để làm sao giúp các em nhìn nhận ra sai lầm để từ đó sửa sai và trưởng thành. Giáo dục bằng tình thương cũng không đồng nghĩa với việc thỏa hiệp hay ve vuốt, chiều chuộng…

Cô và trò Trường THPT Lê Quý Đôn.     Ảnh: N.Hoa
Cô và trò Trường THPT Lê Quý Đôn. Ảnh: N.Hoa

Trong một lớp học, mỗi đứa trẻ sẽ có tính cách riêng, nỗi niềm riêng, hoàn cảnh riêng. Vì vậy, thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm phải là những người am hiểu tâm lý học sinh, thấu hiểu hoàn cảnh riêng của mỗi em để từ đó có cách giáo dục, uốn nắn phù hợp. Giáo viên cần phải ứng xử linh hoạt, khéo léo với những tình huống sư phạm. Không những thế, thầy cô phải là những người đi đầu, gương mẫu và tôn trọng các em, biết lắng nghe và có các hình thức khuyến khích, động viên các em kịp thời.

Hiện nay, rất nhiều bậc cha mẹ có xu hướng phó mặc việc giáo dục con cái cho nhà trường, cho giáo viên chủ nhiệm, hoặc nhiều khi có thái độ thiếu hợp tác trong giáo dục con cái. Có phụ huynh vì nuông chiều con thái quá nên ra sức bênh vực con cái khi mắc lỗi. Trong những buổi họp phụ huynh cuối kỳ, cuối năm, thay vì sự quan tâm, hỏi han về tình hình học tập, về hạnh kiểm của con em mình thì một số bậc cha mẹ chỉ ngồi qua loa hay chỉ quan tâm đến chuyện tiền nong, đôi khi còn viện ra lý do để không đi họp. Vì thế, muốn giáo dục trẻ tốt cần có sự hợp tác từ cả ba phía: nhà trường, học trò và gia đình. Có như thế, việc giáo dục học sinh nói chung và con cái nói riêng mới toàn diện và đem lại hiệu quả tích cực.

Hà Văn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.