Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp THCS: Sân chơi năng lực, tâm huyết của nhà giáo
Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp THCS được Sở GD-ĐT tổ chức vào trung tuần tháng 12-2019 không chỉ khẳng định chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, mà còn giúp các thầy cô giáo nâng cao trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng quản lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chủ nhiệm, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục.
Mặc dù lần đầu tổ chức hội thi cấp tỉnh nhưng đã thu hút 70 giáo viên đến từ 15 phòng GD-ĐT tham gia. Các thí sinh trải qua các phần thi: xét chọn hồ sơ giáo viên chủ nhiệm; hiểu biết chung; ứng xử tình huống sư phạm và thi kể chuyện.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Tường Hiệp trao giải Nhất cho các cá nhân đoạt giải tại hội thi. |
Có mặt tại buổi thi đầu tiên từ rất sớm, dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho các phần thi của mình nhưng cô giáo Nguyễn Ngọc Thúy (Trường THCS Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn không khỏi hồi hộp. Công tác từ năm 2002, là giáo viên dạy Văn, cô Thúy đã có nhiều năm làm công tác giáo viên chủ nhiệm. Sự nhiệt huyết trong công việc giúp cô Thúy trở thành đại diện cho nhà trường tham gia Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi và được Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột lựa chọn để tham gia hội thi cấp tỉnh.
Cô Thúy tâm sự: Bên cạnh việc giảng dạy, nỗ lực truyền thụ kiến thức, tăng hứng thú cho học sinh đối với môn học, giáo viên chủ nhiệm phải gần gũi, giúp đỡ, rèn giũa các em hoàn thiện nhân cách, đạo đức. Mỗi học sinh một tính cách, một hoàn cảnh nên để làm tốt nhiệm vụ của một giáo viên chủ nhiệm lớp, điều quan trọng nhất là gần gũi, lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ suy nghĩ của các em...
Trải qua 3 ngày thi (13, 14 và 15-12) nghiêm túc và sôi nổi, 51 giáo viên đã được công nhận đạt danh hiệu Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh. Theo đánh giá của Ban giám khảo, ở phần thi hồ sơ chủ nhiệm, nhiều hồ sơ đã thể hiện rõ kế hoạch, mục tiêu và giải pháp cụ thể, phù hợp với từng đối tượng học sinh. Với sự tâm huyết cùng lòng yêu nghề, các thí sinh đã đề cập đến nhiều phương thức giáo dục đạo đức, rèn luyện đội ngũ tự quản, đưa ra phương pháp chủ nhiệm khoa học, sáng tạo, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, sát thực tế tại các đơn vị trường học.
“Giáo viên chủ nhiệm có vai trò đặc biệt quan trọng, là người gần gũi, quan tâm các em như người mẹ, người cha thứ hai ở trường. Đặc biệt là ở độ tuổi THCS, các em học sinh có diễn biến tâm lý khá phức tạp, điều đó đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm bên cạnh kiến thức chuyên môn, phương pháp giáo dục sư phạm vững, phải có bản lĩnh, kỹ năng xử lý tình huống và cả tâm huyết…”.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Phó Trưởng Ban tổ chức hội thi Đỗ Tường Hiệp
|
Đối với phần thi hiểu biết, hầu hết các giáo viên đều nắm chắc chủ trương, đường lối và định hướng đổi mới nội dung giáo dục, đặc biệt là các chỉ đạo của ngành Giáo dục liên quan đến công tác chủ nhiệm lớp.
Phần thi xử lý tình huống sư phạm được chờ đợi nhất và được xem là “ghế nóng”, đánh giá khả năng ứng biến của giáo viên. Nhìn chung, các thí sinh đã xử lý tốt các tình huống sư phạm mà Ban tổ chức đưa ra. Nhiều giáo viên đã giải quyết triệt để, hợp tình, hợp lý với từng đối tượng học sinh, sát thực tiễn, có hiệu quả.
Ở phần thi kể chuyện, 70 thí sinh đã mang đến hội thi 70 câu chuyện cảm động về tình cảm thầy trò và đó cũng là những bài học kinh nghiệm quý báu cho các thầy cô giáo trong công tác chủ nhiệm lớp. Đa số thí sinh đã có sự chuẩn bị chu đáo, công phu về nội dung câu chuyện. Từ hình ảnh minh họa, đến âm thanh, hình thức sân khấu hóa… góp phần hỗ trợ cho các câu chuyện thêm sinh động, hấp dẫn. Nhiều thí sinh có lối kể tự nhiên, mộc mạc, gần gũi như một lời tâm tình; cũng có thí sinh như nhập thân vào câu chuyện, sử dụng tốt các yếu tố phi ngôn ngữ làm cho phần thi đạt hiệu quả cao.
Cô giáo Nguyễn Ngọc Thúy (Trường THCS Phan Chu Trinh - TP. Buôn Ma Thuột) thể hiện phần thi kể chuyện. |
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Phó Trưởng Ban tổ chức hội thi Đỗ Tường Hiệp nhận xét: Qua hội thi, các giáo viên đã thể hiện năng lực sư phạm, được trao đổi chuyên môn nghiệp vụ; học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác chủ nhiệm lớp, thể hiện vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh. Kết quả của hội thi là một trong những căn cứ để đánh giá thực trạng năng lực, nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ giáo viên, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực làm công tác chủ nhiệm lớp, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc