Những nhà giáo tận tụy với sự nghiệp "trồng người"
Với lòng yêu nghề, mến trẻ, nhiều thầy cô giáo đã vượt lên khắc phục khó khăn, trăn trở tìm phương pháp truyền thụ kiến thức cho học sinh. Tạo những giờ học hấp dẫn, vui nhộn, thu hút, kích thích sự sáng tạo; truyền cảm ứng yêu thích với các môn học, đó là điểm chung của những nhà giáo dành nhiều tâm huyết với công việc "trồng người". Mong mỏi lớn nhất của họ là thực hiện những “chuyến đò” thành công, góp sức đào tạo cho xã hội những công dân có ích…
Hết lòng với học sinh vùng sâu
Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Tiểu học (Trường Đại học Tây Nguyên) năm 2009, cô Hoàng Thị Huệ về giảng dạy tại Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân ở xã vùng sâu Cư San, huyện M'Đrắk. Ngôi trường nằm biệt lập trong vùng đồng bào dân tộc Hmông, không có điện, thiếu nước sinh hoạt, cơ sở vật chất dạy học hết sức thiếu thốn; học sinh dân tộc thiểu số chiếm tới 99,5%, nhiều em chưa thạo tiếng phổ thông. Đường sá lầy lội vào mùa mưa, bụi mịt mù vào mùa khô cũng là những trở ngại lớn đối với giáo viên.
Cô Hoàng Thị Huệ (bên phải) trao đổi với đồng nghiệp về phương pháp giảng dạy. |
Song, những khó khăn ấy không làm cô Huệ nản lòng. Cô trăn trở tìm tòi phương pháp giảng dạy sao cho học sinh dễ hiểu nhất. Cô học tiếng Hmông, tìm hiểu về phong tục tập quán của bà con để dễ tiếp cận với học sinh hơn. Là một giáo viên tiểu học, phương pháp dạy học của cô Huệ là không chỉ dạy về kiến thức mà còn chú trọng kỹ năng, vừa dạy, vừa rèn tính cách cho các em. Khi dạy trên lớp, cô luôn tìm cách dạy thu hút, hấp dẫn, kích thích sự tò mò, sáng tạo, giúp các em thoải mái và tự tin trong học tập.
Mỗi ngày, sau giờ dạy trên lớp, cô Huệ đều ở lại dạy thêm Tiếng Việt và kèm thêm cho những học sinh yếu hoặc đến tận nhà vận động phụ huynh cho con em ra lớp. Những em học tiến bộ, cô thường tuyên dương trước lớp và có những phần thưởng nho nhỏ khuyến khích các em. Nhờ vậy, tỷ lệ chuyên cần của lớp cô Huệ chủ nhiệm luôn đạt 100%, học sinh hoàn thành các môn học hằng năm đạt 85 - 90%; nhiều học sinh được cô Huệ bồi dưỡng đã đạt thành tích cao trong cuộc thi giải toán qua mạng Violympic bậc tiểu học, thi học sinh giỏi các cấp...
Truyền cảm hứng học tiếng Anh
Năm 2012, cô Võ Thị Ánh Sáng tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngoại ngữ (Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk) và nhận công tác tại Trường Tiểu học Kim Châu (huyện Cư Kuin).
Cô Võ Thị Ánh Sáng và học sinh trong một tiết học vui nhộn. |
Nhận thấy thông thạo tiếng Anh là kỹ năng cần thiết trong môi trường hội nhập, cô Sáng luôn sáng tạo, tìm tòi đổi mới cách dạy để giúp học sinh tiếp thu bài và ghi nhớ kiến thức một cách hiệu quả nhất. Cô đã chọn và thử nghiệm thành công phương pháp dạy kết hợp đồ dùng trực quan với hình ảnh, đồ vật minh họa giúp học sinh dễ dàng tiếp thu từ mới và ghi nhớ từ được lâu hơn. Cô thường yêu cầu học sinh sưu tầm các hình ảnh, các đồ vật gần gũi, quen thuộc và gọi tên chúng bằng tiếng Anh để khuyến khích trí tò mò, yêu thích tìm tòi, khám phá của học sinh.
Cô còn tổ chức các trò chơi trong các tiết dạy của mình để các em tự khám phá, trải nghiệm, thông qua trò chơi các em sẽ tự ghi nhớ từ, đặt câu, tập diễn đạt, rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Bên cạnh đó, cô đã thiết kế những kịch bản phù hợp với từng chủ đề bài học, phân vai cho học sinh để các em có thể phối hợp, luyện tập đóng kịch hoặc kể chuyện về các chủ đề. Các tiết học “vừa học vừa chơi” như vậy rất phù hợp với học sinh tiểu học, giúp các em mạnh dạn, tự tin và hứng thú hơn.
Không chỉ sáng tạo trong cách dạy, cô Sáng còn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Ngoài việc thiết kế các tiết học trên các phần mềm trình chiếu, cô còn sử dụng một số phần mềm dạy học tiếng Anh có tính năng đa phương tiện nhằm giúp thiết kế các tình huống dạy học, lồng ghép được hình ảnh, âm thanh, video, hoạt hình, các hiệu ứng sinh động… để tạo hứng thú cho học sinh. Thông qua các bài học được thiết kế bài bản theo đúng các chuẩn E-Learning, học sinh có thể tự học, tự kiểm tra kiến thức của mình và có thể tương tác trực tiếp với giáo viên.
Với những cách làm hay, sáng tạo trong giảng dạy, cô Sáng đã hướng dẫn nhiều học sinh tham dự các cuộc thi và đoạt giải cao, như: giải Khuyến khích cuộc thi “Tài năng Tiếng Anh” cấp tỉnh năm học 2016 - 2017; giải Khuyến khích cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet quốc gia năm học 2017 - 2018; 3 giải Nhất cuộc thi hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh; 2 giải Khuyến khích và 1 Huy chương Vàng cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet quốc gia năm học 2018 - 2019.
Bản thân cô Sáng cũng giành nhiều thành tích đáng nể như: giải Ba cuộc thi thiết kế bài giảng E-Learning toàn quốc; đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở các năm học 2016 - 2017, 2018 - 2019 và Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm học 2018 - 2019. Mới đây, cô còn vinh dự là một trong số 35 nhà giáo được UBND huyện Cư Kuin tuyên dương trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” giai đoạn 2015 - 2019.
Cô giáo dạy Văn say mê công tác Đoàn – Hội
Xác định dạy văn không chỉ đơn thuần là truyền kiến thức cho học sinh mà còn là dạy nhân cách, hình thành tâm hồn đẹp, biết nhận thức đúng sai, giáo dục cách sống và thái độ ứng xử tích cực, cô giáo Nguyễn Đình Mỹ Giang, giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TX. Buôn Hồ) luôn trăn trở, tìm tòi, đổi mới phương pháp và chọn cách “truyền lửa” phù hợp để tăng niềm yêu thích môn học này cho học sinh.
Cô Nguyễn Đình Mỹ Giang trong giờ lên lớp. |
Trước mỗi giờ lên lớp, cô đều dành năm phút để các em chơi trò chơi ô chữ nhằm giúp các em tư duy, ôn lại những kiến thức đã học vừa rèn luyện tính nhạy bén, cảm thụ kiến thức tốt hơn. Trong mỗi tiết học, để học sinh dễ hiểu, cảm nhận được cái hay cái đẹp, tính nhân văn của mỗi tác phẩm, cô sử dụng nhiều hình thức như tổ chức trao đổi theo nhóm; đóng vai, nghiên cứu tình huống, đặt và giải quyết vấn đề; có sự liên hệ với thực tế diễn ra trong cuộc sống hằng ngày; giúp học sinh tự đúc kết những bài học sâu sắc, tình yêu thương, tính nhân văn trong mỗi tác phẩm văn học. Nhờ vậy, mỗi tiết học Ngữ văn của cô Giang đều hấp dẫn, sôi nổi, tạo không khí hào hứng với học sinh. Các em học sinh không còn tâm lý học đối phó mà thực sự say mê môn học này.
Không chỉ dạy tốt, chủ nhiệm giỏi, cô Giang còn là một cán bộ Đoàn - Hội nhiệt tình, năng động. Với vai trò là Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên trường, ngay từ đầu năm học cô cùng các thành viên trong Ban Chấp hành Đoàn trường xây dựng các chương trình hoạt động theo hướng “vừa học vừa chơi” qua đó lồng ghép các hoạt động giáo dục kiến thức, kỹ năng, lối sống cho học sinh. Nhờ vậy, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đã xây dựng được nhiều hoạt động ý nghĩa, thu hút đông đảo học sinh tham gia như: Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường; Liên hoan các câu lạc bộ đội nhóm; đội hình thanh niên xung kích tình nguyện thường xuyên tham gia các phong trào tình nguyện tại chỗ và địa phương; phát động phong trào bảo vệ môi trường chống rác thải nhựa…
Nhiệt huyết và với tinh thần phấn đấu không mệt mỏi, cô giáo trẻ Nguyễn Đình Mỹ Giang đã gặt hái được những quả ngọt trong sự nghiệp “trồng người” của mình. Năm học 2018 - 2019, cô được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; học sinh do cô bồi dưỡng đã đoạt Huy chương Đồng kỳ thi Olympic 10-3, giải Khuyến khích học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn…
Mỹ Sự - Quốc Toản - Ninh Trang
Ý kiến bạn đọc