Multimedia Đọc Báo in

Sắc màu thân thiện ở ngôi trường vùng sâu

08:45, 07/12/2019

Những bức bích họa đầy màu sắc, hình ảnh sinh động cùng nhiều bồn hoa sáng tạo thay thế cho màu sắc đơn điệu của các bức tường cũ kỹ được tập thể phụ huynh, giáo viên ở một trường vùng sâu cùng nhau thực hiện nhằm tạo cho học sinh một môi trường học tập thân thiện.

Mặc dù đang trong mùa thu hoạch cà phê bận rộn nhưng nhiều phụ huynh vẫn tranh thủ đến Trường Tiểu học Trần Quang Diệu (xã Cư Né, huyện Krông Búk) hào hứng cùng nhau trang trí những bức tranh trên tường trường học. Theo cô Vũ Thị Thu Phương, Hiệu trưởng nhà trường thì ý tưởng ban đầu của nhà trường là muốn tận dụng những vỏ lốp xe cũ để trang trí bồn hoa, làm mới ngôi trường, qua đó giáo dục cho các em học sinh ý thức bảo vệ môi trường. Sau khi ý tưởng được đưa ra, phụ huynh học sinh đã rất nhiệt tình ủng hộ và bắt tay vào thực hiện ngay. Trong quá trình gắn bồn hoa lên tường, thấy tường đã cũ, rêu phủ bụi bám nên nhiều phụ huynh lại nảy thêm ý tưởng vẽ tranh bích họa cho bức tường thêm sinh động.

 Phụ huynh tham gia vẽ tranh trên tường.
Phụ huynh tham gia vẽ tranh trên tường.

Lòng nhiệt thành của các "họa sĩ" không chuyên đã tạo nên những bức vẽ sinh động như cảnh biển đảo quê hương, hoa hướng dương, chúng em trồng cây xanh... tô điểm cho bờ tường trường học, khiến nơi đây trở nên gần gũi và thân thiện hơn.

Tranh thủ ngày cuối tuần, hơn 50 phụ huynh tập trung lên trường để hoàn thành ý tưởng mà mọi người vẫn gọi là “ý tưởng xanh”. Mỗi người một việc, người gom lốp xe chở đến, người trồng hoa, người đóng lốp, sơn lốp. Những người được công nhận là khéo tay hơn thì lo suy nghĩ, tìm hình ảnh phù hợp rồi phác họa lên tường, sau đó phụ huynh và thầy cô cùng nhau tô màu hoàn thiện bức vẽ. Mỗi bức tranh được vẽ lên tường truyền tải một thông điệp riêng, mang tính giáo dục xoay quanh chủ đề: tình yêu mái trường, yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất… Cùng với đó, những lốp xe cũ được phụ huynh thu gom đến, cắt thành nhiều hình dáng khác nhau rồi sơn màu lên, biến thành những vật dụng hữu ích như: bồn cây, chậu hoa treo tường, bàn ngồi ăn sáng cho học sinh...

Các em học sinh thích thú ngắm nhìn những giỏ hoa sáng tạo.
Các em học sinh thích thú ngắm nhìn những giỏ hoa sáng tạo.

Chị Trần Thị Hiến (phụ huynh học sinh ở thôn Ea Siếk, xã Cư Né) chia sẻ, ý tưởng tô điểm cho ngôi trường theo hướng thân thiện môi trường được phụ huynh nhiệt tình ủng hộ. Mọi người sẵn sàng góp công chung tay cùng nhà trường xây dựng ngôi trường sạch đẹp, góp phần khơi dậy niềm yêu thích đến trường cho các em học sinh. Còn theo anh Nguyễn Ngọc Nam (phụ huynh học sinh ở thôn Ea Plai, xã Cư Né), vì chủ yếu tận dụng những thứ sẵn có như lốp xe cũ, cây hoa ở nhà, chỉ mua thêm sơn nên việc trang trí cho trường hầu như không tốn kém kinh phí, phụ huynh chỉ cần góp công sức thực hiện, đây cũng là món quà tri ân đầy ý nghĩa với thầy cô giáo nhân dịp 20-11.

Nhiều em học sinh theo bố mẹ đến trường đều say sưa ngắm nhìn, bàn luận và tỏ ra thích thú với những hình vẽ, bồn cây đa sắc màu trên tường. Đặc biệt, khu nhà vệ sinh trường học cũng được quan tâm trang trí với những bức tranh, thông điệp về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, vừa tạo không gian sinh hoạt thoải mái hơn cho học sinh, vừa góp phần giáo dục cho các em ý thức giữ gìn vệ sinh chung để xây dựng ngôi trường ngày càng xanh – sạch – đẹp.

                                   Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.