Đảm bảo tính công khai, minh bạch trong lựa chọn sách giáo khoa
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng đối với lớp 1 vào năm học 2020 - 2021, trong đó việc lựa chọn sách giáo khoa (SKG) là một trong những vấn đề đang được dư luận, phụ huynh học sinh trên địa bàn tỉnh quan tâm. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông PHẠM ĐĂNG KHOA, Giám đốc Sở GD-ĐT chung quanh vấn đề này.
●Thưa ông, đến nay việc lựa chọn SGK trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện như thế nào?
Hiện nay, Bộ GD-ÐT đã chọn được 5 bộ sách (32 cuốn) làm cơ sở cho các địa phương chọn bộ sách phù hợp để áp dụng giảng dạy phù hợp; đồng thời đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT, ngày 30-1-2020 về việc hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông. Thông tư nêu rõ: giao cho Sở GD-ĐT có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành bộ tiêu chí để lựa chọn SGK giảng dạy lớp 1. Sau khi UBND tỉnh ban hành bộ tiêu chí lựa chọn, Sở GD-ĐT sẽ có công văn hướng dẫn các cơ sở giáo dục về việc lựa chọn bộ SGK.
Theo kế hoạch, việc lựa chọn SGK phải xong trước 4 tháng khi bước vào năm học mới, như vậy ít nhất đầu tháng 5 là phải lựa chọn xong bộ sách. Do vậy, ngành GD-ĐT tỉnh đang gấp rút triển khai để có thể hoàn thành việc lựa chọn SGK theo đúng lộ trình đề ra. Hiện nay, Sở đã gửi dự thảo bộ tiêu chí cho các cơ sở giáo dục, các địa phương góp ý và trong tháng 2 này tổng hợp góp ý để trình UBND tỉnh; đến đầu tháng 3 ban hành bộ tiêu chí để các nhà trường có căn cứ, cơ sở lựa chọn bộ SGK cho năm học sắp tới.
●Vậy, bộ tiêu chí lựa chọn bộ SGK tỉnh đang xây dựng sẽ chú trọng vào những nguyên tắc, nội dung gì thưa ông?
Nguyên tắc lựa chọn SGK phải minh bạch, công khai, quyền lựa chọn là của hội đồng lựa chọn SGK ở các cơ sở giáo dục; Sở GD-ĐT chỉ có văn bản hướng dẫn trên tinh thần đảm bảo lựa chọn bộ sách theo đúng quy định của Thông tư 01 và bộ tiêu chí mà UBND tỉnh ban hành.
Phụ huynh và học sinh lựa chọn mua sách giáo khoa. |
Chúng tôi xây dựng dự thảo để trình UBND tỉnh với 3 nhóm tiêu chí chính để lựa chọn SGK, gồm: nhóm tiêu chí phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; nhóm tiêu chí phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông và nhóm tiêu chí khác. Trong đó, tiêu chí phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học có nghĩa là phải phù hợp với cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, cũng như về đội ngũ; đồng thời cũng phải hỗ trợ cho việc cung ứng sách đến các địa phương, việc cung cấp nguồn tài nguyên kèm theo để cho giáo viên và học sinh có thể tham khảo trong vấn đề học tập, nâng cao trình độ chuyên môn mở rộng thêm kiến thức…
●Thưa ông, không ít phụ huynh băn khoăn: với nhiều bộ SGK (5 bộ) được triển khai giảng dạy thì liệu việc kiểm tra, đánh giá học sinh có sự chênh lệch, khác biệt gì không?
Nếu như trước đây chỉ có một chương trình và một bộ SGK, thì chương trình giáo dục phổ thông mới lần này khác biệt hẳn, với một chương trình khung và nhiều bộ SGK. Để viết SGK, trước hết Bộ GD-ĐT đã ban hành một chương trình tổng thể, sau chương trình tổng thể là chương trình bộ môn của các cấp học và trên cơ sở yêu cầu của chương trình tổng thể, tác giả viết SGK bám vào chương trình, những yêu cầu về mặt kiến thức, kỹ năng, cho nên SGK chỉ là một phương tiện để giáo viên tham khảo trong vấn đề tổ chức dạy học. Sau này khi tổ chức kiểm tra, đánh giá các nhà trường phải bám vào chuẩn kiến thức của chương trình, cho nên không có chuyện học theo bộ sách nào thì kiểm tra theo bộ sách đấy, các em học bộ sách khác thì kiểm tra theo bộ sách khác. Điều đó là không đúng, vì đề kiểm tra, đánh giá bắt buộc bám vào yêu cầu chuẩn kiến thức của chương trình, cho nên việc chọn bộ sách nào là dựa vào điều kiện tổ chức dạy học, văn hóa, điều kiện phát triển kinh tế văn hóa của vùng miền ấy.
●Xin cảm ơn ông!
Lan Anh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc