Già làng, trưởng buôn "gọi" trẻ đến trường
Ở một số trường học có đông học sinh dân tộc thiểu số của huyện Buôn Đôn, các già làng, trưởng buôn đã đi đến từng nhà vận động phụ huynh cho con đến trường.
Ông Y Rik Ryă (56 tuổi) là người uy tín của buôn Tul A (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn). Hằng ngày, ông cần mẫn cưỡi chiếc xe máy cũ đến từng nhà trong buôn tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường.
Điểm đến của ông Y Rik hôm nay là gia đình bà H’Pet Hmok (56 tuổi) - hộ nghèo đặc biệt khó khăn của buôn Tul A. Bà H’Pet cho hay, vợ chồng bà có 8 đứa con và 19 cháu, chắt. Các con của bà đều chỉ học đến cấp 2 rồi nghỉ và lập gia đình. Do không được học đến nơi đến chốn, nhà lại ít đất sản xuất nên không có việc làm ổn định, hễ trong buôn, trong xã ai kêu gì làm nấy. Thu nhập bấp bênh nên chuyện học hành của các cháu bà cũng ít được quan tâm. Trong số các cháu, đứa học cao nhất cũng chỉ tới lớp 9 rồi nghỉ học; hiện nay chỉ có 10 cháu đang đi học từ lớp 1 - 6. Năm học 2019 - 2020 có 4 đứa cháu đến tuổi ra lớp, được nhà trường, ban tự quản buôn vận động đi học, nhưng điều kiện gia đình quá khó khăn nên các cháu vẫn phải ở nhà.
Ông Y Rik Ryă cùng với đoàn viên, thanh niên xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) đến vận động gia đình bà H’Pet Hmok ở buôn Tul A cho các cháu đến trường. |
Nắm được tình hình của gia đình bà H’Pet, từ đầu tháng 8-2020, ông Y Rik thường xuyên đến nhà thăm hỏi, trò chuyện, giải thích về chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước về giáo dục để gia đình yên tâm. Nhờ đó, nhận thức của gia đình bà H’Pét đã thay đổi. "Dù khó khăn nhưng năm học này tôi quyết tâm cho các cháu đến trường để biết cái chữ", bà H’Pét quả quyết.
Buôn Tul A có 319 hộ, hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đến 137 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo. Hằng năm, từ danh sách học sinh bỏ học do các trường báo cáo, UBND xã Ea Wer đã thành lập các tổ cùng với Ban tự quản buôn đến từng nhà tuyên truyền, vận động các em ra lớp. Bên cạnh đó, hiện nay trong buôn vẫn còn khoảng 10 em không đi học bởi nhiều nguyên nhân như: hộ nghèo đặc biệt khó khăn; không có hộ khẩu, giấy khai sinh; bố mẹ không biết chữ... Nhiều năm làm công tác vận động học sinh đến trường, ông Y Rik luôn đau đáu làm sao để 100% các cháu trong buôn đều được cắp sách đến trường. "Là người uy tín của buôn nhưng không thể răn đe, yêu cầu mọi người cho con, cháu đi học, mà chỉ có thể tâm tình, phân tích rõ hậu quả của việc không biết chữ, từ đó giúp họ thay đổi suy nghĩ”, ông Y Rik nói.
Ngày tựu trường năm học mới 2020 - 2021, Bí thư Chi bộ, Trưởng buôn Ea Rông (xã Krông Na) Nguyễn Xuân Bài không còn vất vả như nhiều năm họctrước bởi 100% trẻ trong độ tuổi đến trường của buôn được phụ huynh cho đi học.
“Già làng, người uy tín, trưởng thôn, buôn là cầu nối giữa nhà trường và phụ huynh học sinh. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của lực lượng này mà nhiều trường học ở huyện Buôn Đôn duy trì được 100% sĩ số học sinh từ đầu đến cuối năm học”.
Bà Hoàng Thị Bích Trâm, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Buôn Đôn
|
Ông Bài trò chuyện: "10 năm trước khi còn làm ở Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Krông Na, mỗi lần đến nhà vận động phụ huynh cho con em ra lớp, nhiều phụ huynh không chút ngần ngại hỏi tôi: “Chữ có sinh ra lúa, ra ngô không?. Câu hỏi này cứ ám ảnh tôi suốt thời gian dài. Để thay đổi suy nghĩ của người dân, ngoài tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước, tôi cùng cán bộ UBND xã, giáo viên kiên trì đến từng nhà vận động học sinh trở lại trường vào đầu năm học, sau kỳ nghỉ tết…".
Năm 2014, khi được tín nhiệm bầu làm Trưởng buôn Ea Rông, ông Bài mạnh dạn đề xuất với Chi bộ buôn xây dựng Quỹ khuyến học do các đảng viên tự nguyện đóng góp 20 nghìn đồng/người/năm, cùng với các nguồn quỹ vận động khác kịp thời động viên, khuyến khích các cháu có tinh thần học tập và rèn luyện tốt. Đối với những em học sinh thuộc diện đặc biệt như: mồ côi, khuyết tật, hộ khó khăn… được lập danh sách riêng để ưu tiên các chương trình hỗ trợ.
Với 80% dân số trong buôn là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên phần lớn con em các gia đình đều đi học muộn hơn so với tuổi quy định dẫn đến tâm lý tự ti. Thấu hiểu điều này, Chi bộ buôn đã phân công đảng viên phối hợp chặt chẽ với gia đình thường xuyên gần gũi, động viên để các em tự tin, nỗ lực học tập, rèn luyện tốt... Nhờ sự tâm huyết, trách nhiệm, tận tình của Bí thư Chi bộ, Trưởng buôn Ea Rông Nguyễn Xuân Bài, việc đưa con em đến trường đã trở thành phong trào thi đua của người dân trong buôn. “Giờ không cần phải tuyên truyền, vận động vất vả như trước nữa, nhà trường chỉ vừa gửi thông báo đến, hôm sau phụ huynh đã gặp tôi thông tin: Con tôi đi học rồi nhé”, ông Bài phấn khởi bày tỏ.
Hoàng Ân
Ý kiến bạn đọc